Lễ khánh thành Dự án Xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sáng 11/10/2020 tại Hà Nội - ảnh: Bích Thảo |
Công trình được khánh thành đúng vào dịp chào mừng 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội.
Tại Lễ khánh thành, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) cho biết, Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (sử dụng vốn ODA Nhật Bản 20,591 tỷ Yên, tương đương 4.525 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước 817 tỷ đồng). Công trình có tổng chiều dài 5,367 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, được thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; 2 làn dừng khẩn cấp, 2 dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100 km/h. Dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp. Gói 1 đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 thi công. Nhà thầu thi công Gói thầu số 2 là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng TOKYU - Tập đoàn TAISEI. Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình chính của Dự án đã hoàn thành, đáp ứng đủ các điều kiện để thông xe và đưa vào khai thác, sử dụng.
Tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, tuyến đường Vành đai 3 TP. Hà Nội, trong đó có đoạn tuyến từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long có một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Thủ đô, giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông TP. Hà Nội trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý dự án Thăng Long và TP. Hà Nội trong khâu giải phóng mặt bằng cho Dự án; đồng thời biểu dương tập thể nhà thầu và các đơn vị tư vấn giám sát đã nỗ lực, phấn đấu trong quá trình triển khai để công trình hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc từ cầu Phù Đổng đến cầu Thăng Long, đồng thời tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với Sân bay Quốc tế Nội Bài, các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Thăng Long.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của Chủ đầu tư, tập thể nhà thầu và các đơn vị tư vấn giám sát - ảnh: Bích Thảo |
Theo tìm hiểu, tư vấn lập Dự án là Liên danh Oriental Consultants Co., Ltd. (OCG) - Katahira & Engineers International (KEI). Tư vấn thiết kế là Liên danh Tư vấn Nippon Koei Co.,Ltd (NK) - Nippon Engineering Consultants Co.,Ltd (NE) - Nippon Koei Vietnam International Co.,Ltd (NKV). Tư vấn giám sát là Liên danh Oriental Consultants Global Co., Ltd. (OCG) - Oriental Consultants Co., Ltd. (OC) - Katahira & Engineers International (KEI) - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).
Hai gói thầu xây lắp của Dự án được khởi công vào tháng 1/2018. Giá trúng thầu của Gói thầu số 1 là 1.448 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng sau khi hoàn thành khoảng 1.081 tỷ đồng.
Giá trúng thầu của Gói thầu số 2 là 1.210 tỷ đồng, giá trị hợp đồng sau khi hoàn thành khoảng 1.021 tỷ đồng. Sự chênh lệch giảm giữa giá trúng thầu và giá trị thực hiện hợp đồng 2 gói thầu là do trong quá trình thực hiện 2 gói thầu không phải sử dụng đến chi phí dự phòng và có điều chỉnh giảm một phần khối lượng công việc. Phần vốn kết dư của Dự án sẽ tiếp tục được sử dụng để hoàn thiện các hạng mục phụ trợ của Dự án.
Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh Ram lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long (dự kiến hoàn thành vào quý II/2021); tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại để góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.