Đấu thầu qua mạng mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu |
Bên cạnh đó, cũng còn những dư địa cần cải tiến, nâng cấp để phát huy hơn nữa thế mạnh của hình thức đấu thầu này. Đại diện các bên mời thầu, nhà thầu đã trực tiếp tham gia đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nói gì về thực tiễn triển khai đấu thầu qua mạng ở nước ta?
Nguyễn Thu Hiền - Trưởng ban Đấu thầu thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội
Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) đã có quá trình tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ thời gian thí điểm năm 2009. Tính đến nay, hành lang pháp lý và hạ tầng của Hệ thống ngày càng được hoàn thiện đã giúp bên mời thầu, nhà thầu tương tác tốt hơn, việc triển khai đấu thầu qua mạng thuận tiện hơn rất nhiều.
Mặt khác, các cơ quan hữu quan, ban, ngành và TP. Hà Nội cũng đã dành sự quan tâm lớn, luôn có các văn bản về chỉ tiêu phấn đấu đấu thầu qua mạng. Việc này giúp EVN Hà Nội có được hành lang pháp lý, tiêu chí đánh giá để đơn vị phấn đấu thực hiện mạnh dạn, tích cực hơn.
Có thể nói, Thông tư số 07/2016/TT-BKH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng là bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa các văn bản pháp lý thực hiện đấu thầu qua mạng. Việc có mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được webform đã tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện. Thời gian tới, các văn bản chính sách cần hoàn thiện hơn trong việc áp dụng, triển khai đấu thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Khi đó, số lượng gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ còn tăng lên nhiều.
Ông Vũ Tuấn Hùng - Tổ trưởng Tổ Đấu thầu thuộc Phòng Kế hoạch vật tư, Công ty Nhiệt điện Mông Dương
Đấu thầu qua mạng giúp bên mời thầu giảm thiểu được giấy tờ lưu trữ vì những văn bản này đã được lưu hết trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, với sự công khai trong mời thầu, mở thầu, nộp hồ sơ dự thầu sẽ giúp các gói thầu đấu thầu điện tử tăng tính minh bạch. Các gói thầu đấu thầu điện tử cũng có nhiều nhà thầu tham dự hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu vì không chỉ có nhà thầu bản địa mà còn có nhà thầu ở khu vực lân cận, thậm chí trong cả nước tham gia nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, với số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu đấu thầu điện tử ngày càng nhiều thì rất cần có quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình xét thầu giúp giảm thiểu thời gian cho bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, bên mời thầu phải đánh giá chi tiết, có công văn hỏi, đề nghị từng nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu; trong trường hợp số lượng nhà thầu tham gia gói thầu đông thì việc này rất mất thời gian. Do đó, Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu, sớm ban hành văn bản pháp lý về quy trình đánh giá ngược để các bên mời thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu được nhanh, hiệu quả, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng phòng Kế hoạch vật tư thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk
Việc tổ chức đấu thầu qua mạng mang lại rất nhiều thuận tiện cho bên mời thầu như: quá trình đấu thầu điện tử được thực hiện đăng tải công khai, minh bạch và bên mời thầu có thể chủ động hoàn toàn trong việc đăng tải các thông tin này.
Ngoài ra, việc lưu trữ hồ sơ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khá hiệu quả nên bên mời thầu không cần phải in và lưu trữ những hồ sơ của các gói thầu, giảm tải rất nhiều phần giấy tờ, thủ tục lưu trữ.
Trong khi đó, số lượng nhà thầu tham dự các gói thầu của bên mời thầu có sự gia tăng, tăng khoảng 1/3 số lượng nhà thầu so với đấu thầu trực tiếp. Việc này giúp các gói thầu tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm hơn trong đấu thầu.
Mặt khác, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được xây dựng rất thuận tiện với 2 quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho bên mời thầu trong quá trình đánh giá.
Do dung lượng tải hồ sơ dự thầu của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn hạn chế nên bên mời thầu hỗ trợ tối đa các nhà thầu trong việc gửi bổ sung hồ sơ dự thầu qua địa chỉ email trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu chứng minh được năng lực, kinh nghiệm của mình, giúp quá trình đánh giá của bên mời thầu được thuận lợi.
Ông Trần Vĩnh Hưng - Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban Đấu thầu của Công ty CP Tập đoàn Hanaka
Bên cạnh đấu thầu trực tiếp thì thời gian gần đây, Công ty CP Tập đoàn Hanaka cũng song song chú trọng theo dõi và tham gia các gói thầu đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Một trong những ưu điểm thấy rõ của đấu thầu điện tử là giúp các nhà thầu rút ngắn được quá trình chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí khi tham gia đấu thầu. Nếu như trước đây, nhà thầu phải trực tiếp đi mua hồ sơ, chầu trực tại bên mời thầu để mua hồ sơ rất vất vả thì bây giờ nhà thầu chỉ cần chịu khó theo dõi thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tải hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu (miễn phí) về rồi đánh giá khả năng tham gia dự thầu và thực hiện chuẩn bị hồ sơ.
Tuy nhiên, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vẫn còn một số hạn chế như: dung lượng hồ sơ dự thầu là 20MB vẫn còn ít, chưa đáp ứng được việc tải hồ sơ dự thầu ở những gói thầu có nhiều phụ kiện, hàng hóa phức tạp; Hệ thống chỉ hỗ trợ trên trình duyệt IE; thông báo mời thầu của 1 gói thầu thiếu tính liên kết, cập nhật thông báo, không có cảnh báo cho nhà thầu khi gói thầu đã bị hủy thầu...
Do đó, cần phải nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tăng dung lượng hồ sơ dự thầu để nhà thầu có thể cung cấp đủ thông tin trong hồ sơ dự thầu, qua đó chứng minh được năng lực của mình trong hồ sơ dự thầu. Hệ thống cũng cần phát triển, dùng được trên nhiều trình duyệt máy tính hơn. Thông tin về mỗi gói thầu cần có sự liên kết, cập nhật, tránh tình trạng phân tán thông tin giữa thông báo mời thầu và thông báo hủy thầu khiến nhà thầu khó theo dõi.
Nguyễn Hoài Tâm - Chuyên viên phụ trách dự án và đấu thầu thuộc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai
Để thực hiện thành công các gói thầu đấu thầu qua mạng thì quan trọng nhất là trong quá trình làm hồ sơ phải lựa chọn được những gói thầu thu hút sự tham gia của nhiều nhà thầu, giá trị gói thầu vừa phải và dung lượng hồ sơ không quá lớn.
Còn việc dung lượng hồ sơ được tải lên Hệ thống được ít hay nhiều là phụ thuộc vào tính linh hoạt giữa bên mời thầu và nhà thầu. Bởi, nhà thầu cần lựa chọn những nội dung thiết yếu để đưa vào hồ sơ dự thầu của mình, còn những nội dung khác nhà thầu kê khai vào các bảng biểu webform và chịu trách nhiệm pháp lý về những kê khai đó. Đối với các tài liệu chứng minh đính kèm thì trong trường hợp cần thiết, khi chấm thầu bên mời thầu sẽ yêu cầu nhà thầu cung cấp bổ sung chứ không nhất thiết phải đưa toàn bộ lên Hệ thống.
Về lâu dài, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nên mở rộng tính năng giúp bên mời thầu có thể tra cứu, tham khảo thông tin của nhà thầu về năng lực, kinh nghiệm từ những hợp đồng trong quá khứ, tài chính, thuế, bảo lãnh ngân hàng của các nhà thầu để một phần giảm tải dung lượng cho hồ sơ dự thầu, một phần giúp các bên mời thầu có thông tin khách quan để tìm được nhà thầu tốt. Bởi hiện nay, tình trạng phá thầu diễn ra vẫn còn nhiều, một số nhà thầu bỏ thầu giá thấp một cách vô lý, giảm tới 30 - 40% giá gói thầu. Những hành vi như vậy thường gây bất lợi cho các bên mời thầu, không có cơ sở để loại nhà thầu với giá thấp bất thường nhưng nếu để nhà thầu này thi công dẫn đến chây ì, kéo dài thời gian thực hiện… ảnh hưởng tới tiến độ dự án.