Khẳng định bản lĩnh doanh nhân trước đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa lúc nào doanh nghiệp (DN) Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như lúc này. Trụ vững qua đại dịch đã khó, hồi phục và phát triển hậu Covid-19 lại càng khó hơn. Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng, với bản lĩnh kiên cường và có chiến lược phát triển bền vững, những DN vượt qua được “cơn sóng dữ Covid-19” sẽ hồi phục mạnh mẽ và vững vàng vươn khơi trong thời gian tới.
Đại dịch Covid-19 cho thấy bài học đắt giá về tầm quan trọng của chiến lược phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Đại dịch Covid-19 cho thấy bài học đắt giá về tầm quan trọng của chiến lược phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Ông có thể cho biết những khó khăn của cộng đồng DN Việt Nam hiện nay?

Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 22 tháng qua với 4 đợt bùng phát khốc liệt gây ảnh hưởng nặng nề khiến cho DN gặp muôn vàn khó khăn, gần như kiệt quệ. Mỗi tháng có hàng ngàn DN phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Trong đó, DN nào có một quá trình hình thành phát triển bền vững, tích lũy được nhiều tài sản, có nguồn tài chính dự phòng thì có thể vượt qua. Những DN mới, không có nhiều kinh phí, kinh nghiệm thường bị ảnh hưởng nặng nề, khó có thể gượng dậy nên phá sản nhiều hơn, đặc biệt là nhóm DN trẻ, nhỏ và siêu nhỏ.

Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, đầy khí thế, lan tỏa khắp nơi, từ địa bàn phường, xã cho đến các đô thị, thành phố lớn. Thế nhưng, đại dịch bùng phát khiến cho tất cả những ý tưởng khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo hầu như bị dừng lại vì thiếu nguồn lực.

Ông Đặng Hồng Anh

Ông Đặng Hồng Anh

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, cải thiện môi trường kinh doanh... Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp này?

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều gói chính sách hỗ trợ DN và người lao động kịp thời và thiết thực, dựa trên điều kiện kinh tế của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực để kịp thời đưa ra nhiều gói an sinh xã hội; miễn phí dịch vụ; giãn, hoãn nợ thuế, phí; miễn, giảm lãi suất…

Để giúp DN hồi phục nhanh và mạnh hơn, Chính phủ cần triển khai và cải thiện một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiệu quả hơn. Trong đó, cần xem xét khó khăn của các DN là như nhau và giãn nợ đồng loạt từ 6 đến 9 tháng, thậm chí 1 năm, không để chuyển nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành dược, thiết bị y tế, thực phẩm, sắt thép… Bởi vì, mặc dù chính sách giãn nợ trong vòng 12 tháng được ban hành rất kịp thời, nhưng thực tế, đa số DN vẫn khó tiếp cận vì không đáp ứng được điều kiện tiên quyết là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm do Covid-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ…

Từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, DN đã mất gần 2 năm chỉ hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Để bù lại quãng thời gian này, giúp DN nắm bắt cơ hội, tăng tốc sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các bộ, ngành, địa phương về việc rút ngắn ½ thời gian thực hiện thủ tục hành chính hiện nay. Thậm chí, nhiều thủ tục hành chính có thể thực hiện trong 1 - 2 ngày.

Chính phủ cũng cần có chính sách kích cầu cho tất cả các mặt hàng, chẳng hạn như giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2022…

Đồng thời, cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng một số dự án đầu tư công bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để giúp nhà thầu duy trì hợp đồng.

Theo ông, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, DN Việt cần phải làm gì để trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, có thể hồi phục và phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát?

Dịch Covid-19 đã và đang sàng lọc những DN có “sức khỏe” yếu. Do đó, DN đừng chờ đợi Chính phủ hay đối tác trợ giúp, mà phải tự mình chủ động tìm giải pháp để thích nghi, trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như tìm cách phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới.

Đây là thời gian hiếm hoi để mỗi doanh nhân có thể chiêm nghiệm, nhìn nhận, rà soát và đánh giá lại toàn bộ quy trình hoạt động của DN, từ đó chấn chỉnh những điểm yếu, khiếm khuyết; tiết giảm chi phí; xác định lại định hướng chiến lược, hệ thống khách hàng tiềm năng phù hợp với kinh tế ngành và khả năng của DN…

Trong đó, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể soi rọi lại ý tưởng, hoàn thiện phương án kinh doanh. Nhà đầu tư có thể xem xét lại các tiêu chí đầu tư, lựa chọn mô hình đầu tư hiệu quả để rót vốn…

Theo nhiều dự báo, các nước đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ. DN Việt cần chuẩn bị như thế nào để chớp lấy cơ hội này, thưa ông?

Do tác động của dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị gián đoạn, dồn nén, nên khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế được mở cửa trở lại với trạng thái bình thường mới, thì DN tất yếu sẽ hồi phục và bật dậy mạnh mẽ. Các DN cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất với tâm thế chủ động, vững vàng để chớp lấy cơ hội vượt lên. Những ngành gặp khó khăn nhất trong đại dịch như: du lịch, hàng không… chính là những ngành sẽ có tốc độ hồi phục nhanh và mạnh nhất.

Sau đại dịch, cạnh tranh lao động là một trong những khó khăn lớn nhất mà phần lớn DN phải đối mặt, nhất là các DN thâm dụng lao động và đóng trên những địa bàn chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đại dịch khốc liệt khiến hàng ngàn người lao động bị ám ảnh bởi rủi ro dịch bệnh, sụt giảm thu nhập nên đã từ bỏ thành phố lớn về quê tá túc. Vấn đề này đòi hỏi sự trợ giúp của chính quyền các cấp, bản thân DN phải thay đổi chính sách tuyển dụng, nhưng cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Do đó, để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực sau đại dịch, DN cần đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số để tăng năng suất. DN có thể tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua các tổ chức, hiệp hội để nâng cao giá trị gia tăng cho mình.

Đại dịch Covid-19 còn cho thấy bài học đắt giá về tầm quan trọng của chiến lược phát triển bền vững đối với DN. Chủ DN cần chăm lo đến đời sống của người lao động, coi trọng chính sách an sinh, cố gắng duy trì trả lương để giữ chân người lao động, tăng tính gắn kết, xây dựng văn hóa đồng hành, chia sẻ khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Thực tế thời gian qua đã chứng minh, nếu DN ngay từ đầu có cách làm bài bản, quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội, nhà ở cho công nhân thì công tác phòng chống dịch tốt hơn, đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”, đảm bảo lực lượng lao động ổn định, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư