“Khám” sức khỏe tài chính Vinafor

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) ghi nhận 511,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, tăng 63% so với năm 2021. Tuy nhiên, quý I/2023, Vinafor suy giảm hiệu quả kinh doanh, triển vọng cả năm 2023 cho thấy nhiều khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ ngoại thất và ván gỗ công nghiệp sụt giảm. Nhà nước (thông qua SCIC) đang sở hữu 51% vốn tại Vinafor, Tập đoàn T&T sở hữu 40% vốn tại doanh nghiệp này.
“Khám” sức khỏe tài chính Vinafor

Lợi nhuận quý đầu năm đi xuống

Năm 2022, báo cáo tài chính của Vinafor cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.947,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2021, lợi nhuận gộp giảm 7%, đạt 301,4 tỷ đồng. Bối cảnh xung đột quân sự bùng phát tại Đông Âu, áp lực lãi suất, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến nhiều đơn hàng đồ gỗ ngoại thất và ván gỗ công nghiệp bị hủy, hoãn, giãn thời gian giao hàng.

Trong bối cảnh đó, khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh 2,1 lần, thu về 389,9 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế của Vinafor đạt 511,3 tỷ đồng năm 2022, tăng 63% so với năm 2021, qua đó ghi nhận năm phục hồi tăng trưởng lợi nhuận sau chuỗi sụt giảm kéo dài từ năm 2017 đến 2021. Phần lớn khoản lãi này đến từ Công ty Yamaha Motor Việt Nam, liên doanh được thành lập từ năm 1998, trong đó Vinafor góp 30% vốn. Phần cổ tức, lợi nhuận được chia từ Yamaha Motor Việt Nam đã đóng góp lớn vào lợi nhuận của Vinafor nhiều năm qua.

Năm 2023, triển vọng kinh doanh của Vinafor đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh do nhu cầu thị trường yếu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm từ 28% đến 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Tổng công ty chia sẻ, việc giá gỗ giảm mạnh trên 30% so với cùng kỳ năm trước khiến việc bán đấu giá cây đứng gặp khó khăn, có trường hợp đấu giá nhiều lần không tìm được người mua hoặc người mua bỏ cọc. Trong các loại cây rừng trồng, việc bán gỗ cây keo để sản xuất dăm gỗ vẫn được duy trì nhưng giá dăm gỗ xuất khẩu cũng giảm sâu. Hoạt động chế biến gỗ tiếp tục gặp khó khăn bởi nhu cầu tại nhiều thị trường xuất khẩu giảm, đơn hàng thu hẹp. Đơn cử, Công ty CP Cẩm Hà - Công ty con của Vinafor hiện không có đủ đơn hàng, chỉ duy trì 50% công suất sản xuất…

Kết thúc quý đầu năm, Vinafor đạt doanh thu thuần hợp nhất đạt 420 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm về 13,07% từ mức 19,69% quý đầu năm ngoái, kéo lợi nhuận gộp giảm 33,6% về giá trị. Lợi nhuận sau thuế đạt 102,1 tỷ đồng, giảm 19,68%.

Năm 2023, Vinafor đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 2.554 tỷ đồng và 465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết thúc quý đầu năm, Tổng công ty mới thực hiện được 16,4% kế hoạch doanh thu và 21,9% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tuy nhiên, điểm mạnh của Vinafor là duy trì được cấu trúc tài chính tốt với nguồn tiền dự trữ dồi dào, ít nợ vay. Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho biết, tính đến cuối quý I/2023, tổng nợ phải trả chỉ chiếm 8,3% cơ cấu nguồn vốn với 465,7 tỷ đồng, giảm 18,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay là 137 tỷ đồng. Số dư tiền và tiền gửi các kỳ hạn tại ngân hàng lên đến 2.184 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng tài sản.

Sẽ tái cấu trúc các công ty thành viên

Được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 tổng công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinafor có hoạt động sản xuất kinh doanh chính là lâm nghiệp, kinh doanh gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản. Với diện tích rừng trồng rộng lớn, Tổng công ty trở thành doanh nghiệp hàng đầu chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất ván nhân tạo, đồ mộc, dăm gỗ xuất khẩu, gỗ trụ mỏ… tại Việt Nam.

Theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua, đến năm 2025, tổng diện tích đất nông nghiệp của Tổng công ty dự kiến là 43.439,5 ha, chủ yếu là đất rừng trồng các loại cây như keo, bạch đàn, thông…

Đối với đất phi nông nghiệp, Vinafor và các công ty TNHH MTV do Tổng công ty sở hữu 100% sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng 520.611 m2. Việc quản lý và sử dụng nhiều khu đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định… được xem là điểm hấp dẫn nhà đầu tư của Vinafor ngay từ khi cổ phần hóa.

Báo cáo tài chính của Vinafor cho biết, tính đến cuối quý I/2023, Tổng công ty có 129,6 tỷ đồng hàng tồn kho là giá trị sổ sách ghi nhận của 107 căn hộ, tương ứng 8.613,8 m2 sàn thuộc Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Eco Lakeview tại số 32 Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, được thực hiện theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Vinafor, Công ty CP Sông Đà 1.01 và Công ty CP Ecoland, trong đó Vinafor góp vốn bằng tài sản trên đất và lợi thế thương mại khu đất để thực hiện Dự án. Số căn hộ này đang được chào bán để thu hồi vốn.

Ngoài ra, Vinafor còn có hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Sông Đà 1.01 thực hiện Dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư tại số 55 Đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là dự án liên doanh giữa Vinafor và Công ty CP Sông Đà 1.01, trong đó Vinafor góp quyền sử dụng đất và sẽ được hưởng 3.100 m2 sàn sau khi Dự án hoàn thiện. Tuy nhiên, Dự án sau đó tạm dừng thi công và đến tháng 9/2018 bị Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) thông báo thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty CP Sông Đà 1.01 gồm tài sản chưa bán, cho thuê của Dự án, bao gồm cả phần diện tích mà Vinafor được hưởng khiến Tổng công ty phải trích lập dự phòng tổn thất cho tài sản này.

Theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, Vinafor dự kiến tiếp tục nắm giữ 100% vốn tại 8 công ty con, nắm giữ trên 50% vốn tại 9 công ty, nắm giữ dưới 50% vốn tại 11 công ty đến năm 2025. Đây là các đơn vị quản lý đất rừng lớn, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chính trồng rừng và chế biến gỗ của Tổng công ty, hoặc các công ty đang hoạt động hiệu quả… Nhóm còn lại bao gồm 19 công ty dự kiến sẽ được thoái vốn toàn bộ.

Vinafor đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 ở mức 12.450 tỷ đồng và 1.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Riêng tại công ty mẹ, tổng doanh thu mục tiêu là 5.481 tỷ đồng và 1.238 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Chuyên đề