Khai thác dư địa lớn đầu tư ngành vui chơi giải trí có thưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lĩnh vực kinh doanh vui chơi có thưởng là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí và không thể thiếu trong các xã hội phát triển. Nhận thức được tiềm năng và hiệu quả kinh tế lớn, Chính phủ đã sớm xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, đến nay, kết quả đạt được vẫn còn khá “khiêm tốn”, nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhiều dự án vẫn “đắp chiếu” chờ đợi khung pháp lý.

Tiềm năng lớn nhưng thu hút đầu tư còn “khiêm tốn”

Lĩnh vực kinh doanh vui chơi có thưởng bao gồm các loại hình kinh doanh đặt cược thể thao (đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế...), casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT)...

Theo ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động này đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người nước ngoài đến làm việc, đầu tư và du lịch tại Việt Nam; đồng thời hỗ trợ và tạo thêm dịch vụ gia tăng tại các khách sạn, thu hút chi tiêu của khách nước ngoài đến Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, cần quản lý và giám sát chặt chẽ để tránh tác động xấu tới xã hội.

Ở Việt Nam, vào đầu năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực vui chơi có thưởng được hoàn chỉnh ở cấp nghị định (NĐ) của Chính phủ. Theo đó, 3 loại hình vui chơi có thưởng được phép kinh doanh gồm: đặt cược, casino và TCĐTCT dành cho người nước ngoài.

Đến nay, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có 8 casino đang hoạt động, 61 điểm kinh doanh TCĐTCT và 1 doanh nghiệp (DN) kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép, đã đi vào hoạt động. Tổng doanh thu năm 2019 của các hoạt động này đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng. Riêng lĩnh vực TCĐTCT dành cho người nước ngoài, theo ông Đỗ Văn Sử, doanh thu cả nước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần so với năm 2013 và tăng trưởng đều qua các năm.

Ngoài ra, một số dự án khác đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Tổng quy mô của lĩnh vực kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng (số lượng DN, doanh thu, số nộp ngân sách nhà nước) so với quy mô nền kinh tế cho đến thời điểm hiện tại là rất nhỏ.

Trong khi đó, theo nhận định một số chuyên gia, đây là lĩnh vực có dư địa phát triển rất lớn, quy mô thị trường có xu hướng tiếp tục gia tăng. Nếu được khai thác tốt thì có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài.

“Trong thời gian tới, hoạt động đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế sẽ có tiềm năng phát triển, bởi lĩnh vực này đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư”, ông Sử nhận định.

Vẫn còn dè dặt

Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN (VAFIE), kết quả thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn như trên chủ yếu do quan điểm vẫn coi đây là một lĩnh vực nhạy cảm vì có liên quan đến cờ bạc, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội..., mà chưa có cách tiếp cận đa chiều trong quản lý nhà nước. Hệ thống luật pháp có liên quan đến du lịch kết nối văn hóa - thể thao - giải trí (VH-TT-GT) còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này, vừa quá chặt chẽ, lại vừa tốn nhiều thời gian cấp phép, chưa khuyến khích phát triển. Hiện chưa có tổ chức xã hội liên kết các DN với nhau, mà vẫn “mạnh ai nấy làm”; thiếu sự phối hợp, chưa phân công rõ trách nhiệm của các bộ ngành và các tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến chỉ rõ, khung pháp lý hiện chưa đảm bảo điều chỉnh đầy đủ các khía cạnh trong hoạt động đặt cược, nên nhiều dự án hiện vẫn phải chờ đợi hành lang pháp lý để hoạt động. Các dự án đầu tư xây dựng phục vụ hoạt động này được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, khiến DN và nhà đầu tư phải nộp nhiều hồ sơ, thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, tốn kém thời gian và chi phí.

Để khắc phục những bất cập này và tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động trong tổ chức kinh doanh, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường vui chơi giải trí có thưởng, Bộ Tài chính cho biết đang cùng các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan như: NĐ số 86/2013/NĐ-CP, NĐ số 03/2017/NĐ-CP, NĐ số 06/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác theo hướng thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN và các quy định pháp luật khác.

Nhấn mạnh việc việc sửa đổi, bổ sung các quy định này là cần thiết, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE và Chủ tịch Vabis Group đề xuất mở rộng, bổ sung thêm nhiều loại hình đặt cược thể thao ((bóng rổ, bóng chuyền, tennis, e-sports,…), quy định về trường hợp chuyển kèo sang nhà cái khác, mức thuế cạnh tranh hơn các nước khu vực... Đồng thời, Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chuẩn về hệ thống thiết bị quản lý kinh doanh có khả năng cài đặt cảnh báo những điều kiện giới hạn và tự động báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước...

Về mô hình quản lý nhà nước đối với kinh doanh đặt cược, ông Mỹ đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp vui chơi có thưởng...

Trong khi đó, ông Michael Efron - Chủ tịch kiêm CEO Vietnam Sport Player đề xuất thành lập Ủy ban phi chính phủ, vừa quản lý 3 lĩnh vực thể thao, đua ngựa, casino, vừa góp ý với Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch và hiệu quả nhất.

Chuyên đề