Khắc phục yếu kém trong quy hoạch

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện để trình dự thảo Luật Quy hoạch lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2016. Nhiều chuyên gia đã có tham vấn cho dự thảo mới nhất của Luật Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng

Thời kỳ lập quy hoạch như thế nào?

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành đều được quy định 10 năm/lần vào đầu mỗi thập kỷ, cứ cách 5 năm lại được cụ thể hóa và điều chỉnh trong các kế hoạch phát triển 5 năm tại Đại hội Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công tác quy hoạch là làm thế nào để thực hiện “đồng bộ” về thời hạn và nội dung của việc ban hành các loại quy hoạch tổng thể.

Dự thảo Luật Quy hoạch đang được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý thống nhất, loại bỏ các trùng lặp và mâu thuẫn trong các quy định hiện hành về hoạt động quy hoạch trên cả nước. Vấn đề đang được các chuyên gia đặt ra khi tham vấn xây dựng dự thảo Luật là, thời kỳ quy hoạch nên là bao nhiêu và quy hoạch được lập ra cùng một lúc hay sau khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thông qua?

TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết, các quốc gia trên thế giới thường có “quy hoạch tầm nhìn” cấp quốc gia có thời hạn từ 20 - 30 năm hoặc hơn nữa, còn quy hoạch tổng thể có thời kỳ 10 năm tương ứng với từng thập kỷ. Ở Việt Nam, theo ông Liêm thì việc ban hành các chiến lược 10 năm như hiện nay là rất thích hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu vốn có nhiều bất định. Song, “quy hoạch tầm nhìn” nếu được thực hiện lần đầu nên có thời kỳ 30 năm, tức là cho giai đoạn 2020 - 2050.

Việc lập quy hoạch tổng thể cũng nên được thực hiện trong 2 năm cuối cùng của mỗi thập kỷ, các cấp chính quyền tổ chức tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể, rồi tiến hành lập quy hoạch tổng thể cho thập kỷ tiếp theo để trình ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các tỉnh/thành ủy xem xét trước khi báo cáo ra Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ cấp tỉnh, thành. “Vào năm cuối cùng của mỗi nhiệm kỳ 5 năm thì tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và đưa ra “kế hoạch hành động” cho nhiệm kỳ tới” – TS. Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Xem nhẹ vấn đề thực hiện quy hoạch

Ở góc nhìn của chuyên gia tư vấn về quy hoạch và quản lý phát triển, Giám đốc Dự án quốc tế của Hansen Partnership (Australia) Lawrie Wilson cho rằng, tại Việt Nam, công tác quản lý quy hoạch vẫn được xem là một quá trình tĩnh, bao gồm quá trình chuẩn bị và phê duyệt quy hoạch. Trong khi quá trình hoạt động và thực hiện quy hoạch là quá trình “động” nhưng lại rất ít được quan tâm. 

Dẫn chứng kinh nghiệm từ Australia cho thấy, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch tập trung vào việc đạt được các kết quả đã đề ra (nghĩa là những kết quả cuối cùng), trong khi ở Việt Nam quy hoạch vẫn còn quá chú trọng vào quá trình, tập trung quá nhiều vào chi phí của kết quả. Chuyên gia Lawrie Wilson lý giải, điều này là do hệ thống quy hoạch của Việt Nam hiện nay không có quá trình phân tích liên tục đối với hiệu quả của quy hoạch.

Được biết, dự thảo Luật Quy hoạch đã xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá để xem xét hiệu quả của các quy hoạch và hiệu quả đối với toàn bộ hệ thống quy hoạch. Song, ông Lawrie Wilson nhấn mạnh, cơ chế giám sát và đánh giá cần được đưa vào hệ thống quản lý quy hoạch phát triển như một quá trình cải tiến liên tục. Cần phải thực hiện từng bước và yêu cầu cải tiến liên tục.        

Chuyên đề