Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế còn khiêm tốn

(BĐT) - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức Hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại Hà Nội. Báo cáo sơ bộ do CIEM đưa ra tại Hội thảo cho biết, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế đạt được trong giai đoạn này còn khiêm tốn.
Có 24% mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế dự kiến hoàn thành, 32% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 41% nhiệm vụ khó hoàn thành. Ảnh: Lê Tiên
Có 24% mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế dự kiến hoàn thành, 32% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 41% nhiệm vụ khó hoàn thành. Ảnh: Lê Tiên

Đơn cử, để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ đưa ra 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có 25,8% nhóm nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Đánh giá chung cho thấy, có 24% mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế dự kiến hoàn thành, 32% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 41% nhiệm vụ khó hoàn thành.

Trên cơ sở đó, để thúc đẩy tăng trưởng cũng như tiếp tục tìm kiếm các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế giai đoạn 2019 - 2030 và các năm tiếp theo, CIEM đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu bên cạnh giải pháp trọng yếu là ổn định kinh tế vĩ mô.

Các nhóm giải pháp này bao gồm: tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35…) nhưng gia tăng về quy mô, tốc độ, nhất là đảm bảo tính thực chất, đầy đủ; phân bổ nguồn lực cần có sự đổi mới, khác biệt; nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2030 với việc vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hội nhập vừa chuyển đổi sang kinh tế số, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư.    

Chuyên đề