Các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm tăng kết nối giao thông đường bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Ưu tiên vành đai, cao tốc
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung huy động vốn đầu tư đường bộ cao tốc, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 2.000 - 2.500 km đường cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc tại các vùng kinh tế trọng điểm nối với các cảng biển cửa ngõ, cửa khẩu quốc tế.
Trong việc đầu tư nhằm tăng kết nối giao thông đường bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cần ưu tiên khép kín các tuyến đường vành đai, cao tốc. Vùng này hiện đã hoàn thành đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và đang đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành (hoàn thành năm 2017), đường Vành đai 3 TP.HCM (kết nối giữa TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai) để kết nối mạng cao tốc nội vùng.
Được biết, tiến độ xây dựng đường Vành đai 3 được phân kỳ đầu tư theo từng đoạn. Cụ thể: Đoạn từ cao tốc Bến Lức - Long Thành (Nhơn Trạch, Đồng Nai) - Quốc lộ 1A (Tân Vạn, Bình Dương) có chiều dài 26,3 km; đoạn từ Quốc lộ 22 đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài hơn 29 km; đoạn cuối cùng từ Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 dài 17,5 km. Trong đó, riêng giai đoạn 1 (dự kiến khởi động vào năm 2017 và hoàn thành năm 2019) dài hơn 17 km, gồm 2 dự án thành phần là 1A và 1B. Dự án thành phần 1A có chiều dài trên 8,7 km, đi qua Đồng Nai 6,3 km và TP.HCM hơn 2,4 km, với tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng (trong đó vốn ODA 4.180 tỷ đồng). Dự án thành phần 1B có chiều dài gần 9 km thuộc địa phận TP.HCM, có mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng (được xây dựng theo hình thức BOT).
Riêng Vành đai 4 (dài gần 198 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An), do nguồn vốn khó khăn nên cũng phải làm từng đoạn. Hồi tháng 6/2016, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km, theo hình thức BOT với tổng số vốn khoảng 6.273 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu vào quý I/2017) nhằm thúc đẩy liên kết vùng.
Tránh đầu tư dàn trải
Cũng theo ông Bình, việc phát triển giao thông vận tải đường bộ trong Vùng cần hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác, liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý nhằm kết nối các đô thị trong vùng, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả.
Tuy vậy, ông Trần Ngọc Bình lưu ý, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả kém, cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình giao thông trọng điểm nhằm giải quyết yêu cầu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, làm động lực phát triển kinh tế cho Vùng giai đoạn đến năm 2030.
Trước bối cảnh huy động nguồn vốn đầu tư cho giao thông của vùng này còn hạn chế do ảnh hưởng đến quy mô trần nợ công, giới chuyên gia khuyến nghị, không thể chỉ trông chờ vào vốn ODA, mà cần huy động đa dạng các nguồn vốn. Các địa phương trong vùng cần sớm có kiến nghị Chính phủ cho phát hành trái phiếu chính phủ, xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Riêng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ khó hoàn vốn nếu như không có hỗ trợ của Nhà nước do kinh phí xây dựng các tuyến giao thông là rất lớn.