Kế hoạch kinh doanh 2016: Doanh nghiệp dự phòng dần khó khăn

Thời điểm cuối năm 2015, đầu 2016 các doanh nghiệp đã lần lượt công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2015 đồng thời đặt ra chỉ tiêu cho năm 2016.

Năm 2015 là năm chịu tác động của nhiều chính sách, đặc biệt những doanh nghiệp liên quan đến giá dầu và ngoại tệ khi giá dầu thô thế giới từng đạt đỉnh trên 100USD/thùng xuống xấp xỉ 30USD/thùng như hiện nay. Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ liên quan USD thay đổi cũng làm giảm đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp có dùng ngoại tệ.

Nhóm ngành dầu khí chịu tác động nhiều nhất trong năm 2015

Nhìn lại năm 2015, những doanh nghiệp trong ngành dầu khí xây dựng kế hoạch kinh doanh khi giá dầu ở mức đỉnh điểm quanh mốc 100USD/thùng, do vậy,thời điểm cuối năm 2015 vừa qua, khi giá dầu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giảm chỉ tiêu năm xuống phù hợp tình hình mới vào phút cuối.

Có thể điểm danh những ông lớn trong ngành này như PVGas (GAS), PVDrilling (PVD) hay PVGasD (PGD) đều đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2015 vào những phút chót. Đáng chú ý, những doanh nghiệp này chủ yếu đều điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu, còn mức lợi nhuận hầu hết đều không thay đổi. Nổi bật có PVDrilling năm 2015 vẫn vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy thế, các doanh nghiệp ngành dầu khí cũng rất dè dặt đặt kế hoạch kinh doanh 2016 với các chỉ tiêu về doanh thu đều giảm mạnh so với năm 2015. Các chỉ tiêu về lợi nhuận cũng được dự đoán sẽ giảm mạnh do tác động của giá dầu thô thế giới.

Theo ước tính của Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVOIL), việc giá dầu xuống thấp như hiện nay đã làm cho PVOIL lỗ đến 100 tỷ đồng. Năm 2016 PV Oil đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 42,8 nghìn tỷ đồng, riêng công ty mẹ là 32 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 270 tỷ đồng và nộp ngân sách là 5,7 nghìn tỷ đồng

Nhóm ngành xây dựng, và vật liệu xây dựng cũng đã có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch SXKD 2016

Nhà Đà Nẵng (NDX), FLC và cả Licogi 13 (LIG) cũng đã sớm lên kế hoạch kinh doanh năm 2016. Nhóm ngành doanh nghiệp xây dựng này đều lên chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh so với năm 2015. Đáng chú ý, FLC đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2016 khoảng 6.000 tỷ đồng.

Licogi 13 cũng lên kế hoạch đưa sản phẩm gạch không nung ra thị trường khu vực Miền Trung và triển khai thêm nhiều dự án. Ước tính năm 2016 công ty sẽ đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu và 62 tỷ đồng LNTT.

Nhà Đà Nẵng vừa đầu tư thêm một số cơ sở vật chất như trạm trộn bê tông loại lớn, các xe chuyên dụng...nên dự kiến trong năm 2016, mảng bê tông thương phẩm sẽ mang lại 80 tỷ đồng doanh thu cho cả năm, và dự kiến mảng này sẽ chiếm 50% tổng doanh thu công ty trong năm 2016.

Kế hoạch SXKD năm 2016 của các doanh nghiệp

Những doanh nghiệp trong nhóm ngành vật liệu xây dựng như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Đá Núi Nhỏ (NNC), TCP Đầu tư Thương mạiSMC (SMC), hay Viglacera Từ Sơn (VTS), Savimex (SAV) cũng đã công bố kế hoạch SXKD năm 2016. Đáng chú ý, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này đều đặt chỉ tiêu tăng so với năm 2015.

Nhóm ngành cao su tự nhiên cũng là một trong những ngành chịu tác động lớn trong năm

Trên sàn niêm yết, cả 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên đều đã công bố KQKD 2015. Với giá mủ cao su liên tục lao dốc, các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh 2015 giảm sút so với cùng kỳ. Tuy hoàn thành và vượt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho năm 2015, Cao su Tây Ninh (TRC) cũng nhận định giá bán ra bình quân thị trường năm 2016 thấp hơn năm 2015, do vậy công ty cũng chỉ đặt ra chỉ tiêu 338,54 tỷ đồng doanh thu, giảm 24%; lợi nhuận 37,64 tỷ đồng, giảm nhẹ so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên giảm liên tiếp trong 3 năm qua

Không chỉ Cao su Tây Ninh, các doanh nghiệp cao su tự nhiên khác cũng tỏ ra khá dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2016, Cao su Phước Hòa (PHR) đặt mục tiêu tổng doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cao su ước đạt 723 tỷ đồng, chiếm 80% cơ cấu cả năm. Doanh thu tài chính và doanh thu khác lần lượt đạt 38 tỷ và 138 tỷ đồng (trong đó, thanh lý vườn cây thu về 118 tỷ đồng), lãi trước thuế đặt chỉ tiêu 99 tỷ đồng, chỉ bằng gần 42% thực hiện trong năm 2015. Cao su Thống Nhất (TNC) cũng rất thận trọng với kế hoạch lãi khiêm tốn 2,15 tỷ đồng LNTT, chỉ bằng 1/5 kết quả đạt được của năm 2015.

Nhóm ngành công nghệ, Thế giới di động (MWG) lên kế hoạch kinh doanh năm 2016 với các chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc so với năm 2015. Cụ thể, công ty đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 với Doanh thu ước đạt 34.166 tỷ đồng và LNST ước đạt 1.388 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra năm 2015 (Doanh thu và LNST lần lượt 23.590 tỷ đồng và 886 tỷ đồng), thì kế hoạch năm 2016 cí sự tăng trưởng vượt bậc.

Đối với CTCP Thế giới số (DGW) doanh thu cả năm 2015 ước đạt 4.208 tỷ đồng, giảm 14% so với doanh thu thực hiện được năm 2014 (4.956 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế ước đạt 134 tỷ đồng, bằng 80% mức LNTT đạt được năm ngoái. Tuy vậy, HĐQT công ty cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với các chỉ tiêu tài chính cơ bản như doanh thu ước đạt 5.390 tỷ đồng; LNTT 173 tỷ đồng và LNST 138 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên sàn niêm yết cũng đã kịp đặt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2016 trước thềm năm mới. Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) đặt chỉ tiêu doanh thu 3.264 tỷ đồng và LNST 160 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2015. Dầu ăn Tường An (TAC) cũng đã lên kế hoạch SXKD năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu 3.750 tỷ đồng, giảm 13% so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015, song chỉ tiêu về LNNST ước đạt 65 tỷ đồng, tăng 8% so với cỉ tiêu đề ra cho năm 2015.

Lilama 10 (L10) cũng vừa tạm giao chỉ tiêu SXKD năm 2016 trong đó chỉ tiêu doanh thu 1.033 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế ước đạt 41,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với lợi nhuận đạt được năm 2015. Mức chi trả cổ tức dự kiến từ 10-13%.

CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Sài Gòn Water – SII) cũng đã lên kế hoạch SXKD năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 1.004 tỷ đồng và LNST hợp nhất hơn 50 tỷ đồng trong đó LNST ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 60,57 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư