Kế hoạch đầu tư công năm 2025: Áp lực hấp thụ lượng vốn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số vốn chi đầu tư phát triển năm 2025 được Chính phủ báo cáo Quốc hội sáng 22/10/2024 dự kiến tăng khoảng 112 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch năm 2024. Tổng vốn dự kiến lớn vừa là cơ hội để tăng đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, vừa đặt ra áp lực rất lớn để thực hiện, giải ngân đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2025 là 790,727 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2025 là 790,727 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tăng nguồn lực, tăng áp lực

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025 - 2027.

Theo đó, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển năm 2025 là 790,727 nghìn tỷ đồng. Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, con số này chiếm 31% tổng chi ngân sách, nếu loại trừ chi tiền lương thì chiếm 33% tổng chi ngân sách, là rất tích cực. Về cơ cấu vốn, dự toán chi NSTW là 315 nghìn tỷ đồng, trong đó bố trí 295 nghìn tỷ đồng cho nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tăng 70 nghìn tỷ đồng, tương đương 31,1% so với năm 2024, bố trí 20 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác; dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương (NSĐP) là 475,727 nghìn tỷ đồng.

Nếu được Quốc hội thông qua, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 112 nghìn tỷ đồng, đặt ra áp lực giải ngân lớn hơn, đòi hỏi cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm, sớm đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong năm cuối của kỳ kế hoạch 2021 - 2025.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra thống nhất với dự kiến kế hoạch đầu tư công 2025 là 790,727 tỷ đồng.

Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công vốn NSNN là 677,944 nghìn tỷ đồng. Nếu được Quốc hội thông qua, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 112 nghìn tỷ đồng, đặt ra áp lực giải ngân lớn hơn, đòi hỏi cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm, sớm đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong năm cuối của kỳ kế hoạch 2021 - 2025.

Không để vốn chờ dự án

Từ đầu năm 2024 đến hết 30/9, cả nước mới giải ngân được khoảng 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao; vẫn còn khoảng 12.744 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Trong các nguyên nhân làm chậm giải ngân cũng như tồn tại hạn chế của việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN hàng năm vẫn còn hạn chế, chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến một số bộ, địa phương “trả vốn” tương đối lớn. Một số khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đã được tập trung xử lý nhưng chưa dứt điểm…

Thực tế, việc lập kế hoạch không sát, phân bổ vốn không phù hợp với khả năng thực hiện là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương không thể phân bổ, giải ngân vốn trong năm 2024. Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trước Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt điều chỉnh giảm 7.313 tỷ đồng vốn trong nước và 1.133 tỷ đồng vốn nước ngoài của nhiều bộ, ngành, địa phương, điều chuyển bổ sung cho các đơn vị có khả năng giải ngân tốt hơn.

Tại phiên họp này, Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh lưu ý, một số dự án đã được quyết định đầu tư từ năm 2017, 2018, được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhưng năm 2024 không được phân bổ vốn để thực hiện như các dự án sử dụng vốn ODA của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị..., khi rà soát điều chỉnh mới được đề nghị bổ sung thêm. Điều này cho thấy, công tác phân bổ vốn từ đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát với thực tế và cần rút kinh nghiệm trong công tác phân bổ vốn năm 2025.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến cao hơn năm 2024 khoảng 112 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến cao hơn năm 2024 khoảng 112 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Trong phiên họp sáng 22/10, Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát khả năng thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 để xây dựng danh mục dự án cụ thể, dự kiến bố trí mức hợp lý, tăng cường kiểm tra giám sát, tránh chuyển nguồn sang năm sau quá lớn. Căn cứ tình hình giải ngân, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân để nâng cao hiệu quả sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, thúc đẩy tăng trưởng.

Sau khi Quốc hội thông qua tổng mức vốn kế hoạch năm 2025, theo quy trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 cho bộ, ngành, địa phương. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ chi tiết vốn cho các chương trình, dự án cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác lập kế hoạch đầu tư công, phân bổ chi tiết vốn, chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể giải ngân được ngay từ đầu năm 2025.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 phải theo các nguyên tắc quy định. Trong đó, tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn; bảo đảm thời gian bố trí vốn cho dự án; mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025, bảo đảm có thể phân bổ, giao chi tiết cho dự án trước ngày 31/12/2024. Chỉ thực hiện bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định. 2025 là năm cuối của kỳ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần ưu tiên bố trí vốn NSNN cho các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch trung hạn, bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới trong thời gian tiếp theo…

Chuyên đề