IPO Cảng hàng không Việt Nam:11.800 đồng/CP có hợp lý?

Hơn 300 tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều CTCK, công ty quản lý quỹ đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV. Dự kiến, ngày 10/12 tới, doanh nghiệp này sẽ được IPO trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE).
Hơn 300 tổ chức và cá nhân đã tham dự buổi roadshow của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
Hơn 300 tổ chức và cá nhân đã tham dự buổi roadshow của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

“Đang chờ phê duyệt tiêu chí NĐT chiến lược…”

Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV cho nhiều câu hỏi được NĐT đặt ra tại Hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu ACV, do đơn vị tư vấn cổ phần hóa - CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) phối hợp với ACV tổ chức ngày 19/11.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK và một số NĐT về nhà đầu tư chiến lược của ACV, ông Hùng cho hay, theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ACV sẽ bán 20% vốn điều lệ cho NĐT chiến lược. Sau khi thông tin này được công bố, đã có nhiều NĐT trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ACV. Tuy nhiên, do tiêu chí tìm kiếm NĐT chiến lược đang chờ cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, nên đến thời điểm này ACV chưa chốt phương án cụ thể về tìm kiếm NĐT chiến lược. Khi nào Bộ phê duyệt tiêu chí, ACV sẽ công khai rộng rãi tới thị trường, NĐT trong và ngoài nước. 

“Trong định hướng tìm kiếm NĐT chiến lược, ACV nhận thấy đối tượng này phải thỏa mãn ít nhất 3 tiêu chí cơ bản: gắn bó lâu dài với ACV; có năng lực về khai thác, kinh doanh hạ tầng cảng hàng không; có năng lực tài chính, hỗ trợ ACV thu xếp vốn để nâng cao năng lực khai thác các cảng hiện có, cũng như đầu tư các dự án mới, trong đó trọng điểm là Dự án sân bay Long Thành…”, ông Hùng nói.

Theo lãnh đạo ACV, với lợi thế đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 21 cảng đang khai thác, cùng triển vọng thị trường hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh, việc tìm kiếm NĐT chiến lược của ACV sẽ khả quan. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không dân dụng nhanh nhất khu vực châu Á trong vòng 20 năm tới.

Có mặt tại Hội thảo, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), năm 2014, Việt Nam là 1 trong 7 thị trường có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không cao nhất thế giới. Triển vọng này của ngành cùng với tính minh bạch trong hoạt động và hiệu quả về kinh doanh của ACV, sẽ không chỉ thu hút NĐT trong và ngoài nước tham gia vào đợt IPO sắp tới, mà còn hỗ trợ tốt cho ACV tìm kiếm cổ đông chiến lược. 

11.800 đồng/cổ phiếu có hợp lý?

Đó là câu hỏi được khá nhiều NĐT đặt ra cho lãnh đạo ACV và đơn vị tư vấn cổ phần hóa BSC. Theo phương án IPO, ACV sẽ chào bán hơn 77,8 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 11.800 đồng/CP.

Đại diện đơn vị tư vấn, ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc khối Ngân hàng Đầu tư của BSC cho biết, mức giá này được tính toán dựa trên kết quả kinh doanh của ACV hiện tại cũng như triển vọng trong thời gian tới.

Trong 3 năm (2012- 2014), ACV đạt 28.114 tỷ đồng doanh thu, 6.342 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trung bình 14,86%/năm và 29,75%/năm. Với kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm nay, dự báo năm 2015, ACV đạt 10.130 tỷ đồng doanh thu, 1.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, cổ phiếu ACV có giá 12.068 đồng/CP, còn theo phương pháp so sánh hệ số thì có giá từ 14.606 - 14.766 đồng/CP. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hấp dẫn cho cổ phiếu khi đưa ra IPO, Ban chỉ đạo cổ phần hóa chốt mức giá 11.800 đồng/CP.

“Sau IPO, bao giờ ACV niêm yết?”, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) đặt câu hỏi.

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tại Quyết định 1710/QĐ-TTg ngày 6/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - ACV đã nêu rõ, sau IPO, ACV sẽ niêm yết trên Sở GDCK khi đủ điều kiện theo quy định.

Liên quan đến vấn đề trên, NĐT hỏi tiếp, do tỷ lệ cổ phần mà ACV dự kiến bán qua IPO vào ngày 10/12 tới quá ít, liệu điều này có khiến ACV không đáp ứng đủ điều kiện niêm yết trên sở GDCK? Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho hay, một trong những điều kiện mà các DN phải đáp ứng khi muốn niêm yết trên HOSE là tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Tuy nhiên, vì ACV là DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nên không phải đáp ứng điều kiện này.  

Chuyên đề

Kết nối đầu tư