Ảnh Internet |
Theo IMF, dù tổng nợ công và nợ tư nhân đạt mức kỷ lục 235.000 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng con số này đã giảm mạnh khi được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm trên GDP toàn cầu - vốn đã phục hồi vào năm 2021 sau cuộc suy thoái nghiêm trọng do Covid-19 vào năm 2020.
Dữ liệu của IMF cho thấy, tổng nợ đã giảm xuống còn 247% GDP toàn cầu vào năm 2021. Con số này thấp hơn 10% so với năm 2020, nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử.
Dữ liệu cũng cho thấy, nhiều quốc gia vẫn đang quay cuồng với hậu quả của đại dịch, với nợ tăng vọt vào năm 2020 do suy thoái kinh tế và thâm hụt khi các chính phủ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp. Khi các nền kinh tế mở cửa, lạm phát xảy ra do cung không đáp ứng đủ cầu, trong khi chi phí lương thực và năng lượng tăng do áp lực xung đột địa chính trị và khí hậu.
Sự phục hồi kinh tế năm 2021 và sức nóng của lạm phát đã đẩy nợ giảm hơn 10% GDP ở Brazil, Canada, Ấn Độ và Mỹ, nhưng nợ thực tế giảm ít hơn do nhu cầu tài chính của chính phủ và khu vực tư nhân.
Trong khi đó, sự hỗ trợ từ tăng trưởng sẽ mờ dần. Tính toán của IMF cho thấy, khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ có ít nhất hai quý liên tiếp bị thu hẹp trong năm nay và năm tới, và sản lượng bị mất cho đến năm 2026 sẽ là 4 nghìn tỷ USD.
Giá tăng mạnh đã buộc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ và lập trường cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã củng cố đồng USD mạnh hơn nhiều so với các đồng tiền khác.
"Việc quản lý mức nợ cao sẽ ngày càng khó khăn nếu triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi và chi phí đi vay tăng cao hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng yếu hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đòi hỏi sự thận trọng trong việc quản lý nợ và thực hiện chính sách tài khóa", Vitor Gaspar, Paulo Medas và Roberto Perrelli, các quan chức cấp cao tại Bộ phận tài chính của IMF cho biết.
IMF cho biết, sự sụt giảm rõ rệt nhất trong tỷ lệ nợ trên tổng GDP được thể hiện ở các nền kinh tế tiên tiến, với khoản nợ giảm 5% GDP vào năm ngoái, qua đó đảo ngược khoảng 1/3 mức tăng vào năm 2020. Nhưng ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp, tổng tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng vào năm 2021, do dư nợ cá nhân chưa thanh toán.
Theo IMF, tổng nợ công toàn cầu đã giảm 4% - mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ - xuống còn 96% GDP. Ngoài ra, tổng số nợ tư nhân toàn cầu - bao gồm các nghĩa vụ phi tài chính của doanh nghiệp và hộ gia đình - đã dẫn đầu sự sụt giảm, khi giảm 6% xuống còn 153,5% GDP.