IMF: Nợ toàn cầu tăng lên mức cao mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo Giám sát tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố gần đây cho thấy, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chính sách được đưa ra để đối phó với nó đã khiến nợ toàn cầu - bao gồm nợ của các chính phủ, tập đoàn phi tài chính và hộ gia đình - lên mức cao mới với 226 nghìn tỷ USD trong năm 2020, tăng 27 nghìn tỷ USD so với năm 2019.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Các nước phát triển và Trung Quốc chiếm hơn 90% của mức nợ trên toàn thế giới vào năm 2020, trong khi các nền kinh tế mới nổi còn lại và các nước đang phát triển có thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 7%. Nợ của Ấn Độ tăng từ 68,9% GDP vào năm 2016 lên 89,6% vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 90,6% vào năm 2021, sau đó giảm xuống 88,8% vào năm 2022 và đạt khoảng 85,2% vào năm 2026.

Theo Giám đốc phụ trách các vấn đề tài khóa của IMF, Vitor Gaspar, các ràng buộc về tài chính đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước nghèo hơn và sự gia tăng nợ công vào năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở do nhu cầu ứng phó với Covid-19 và những hậu quả kinh tế, xã hội và tài chính của nó. Nhưng sự gia tăng này dự kiến chỉ diễn ra một lần và nợ dự kiến sẽ giảm trong năm nay và tiếp theo là khoảng 1 điểm phần trăm GDP mỗi năm. Điều này có được nhờ đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng GDP danh nghĩa, đi kèm với việc giảm dần thâm hụt cơ bản.

Tuy nhiên, IMF cho rằng, rủi ro đối với triển vọng tài khóa đang gia tăng. Các biến thể mới của virus, tỷ lệ bao phủ vaccine thấp ở nhiều quốc gia và sự chậm trễ trong việc chấp nhận tiêm chủng của một số người có thể gây ra thiệt hại mới và tăng áp lực lên ngân sách công. Việc thực hiện các khoản nợ tiềm tàng bao gồm cả từ các chương trình cho vay và bảo lãnh cũng có thể đưa đến sự gia tăng bất ngờ của nợ chính phủ. Ngoài ra, những áp lực khác có thể đến từ sự bất mãn của xã hội với cuộc khủng hoảng hiện nay ước tính đã đẩy từ 65 - 75 triệu người vào cảnh nghèo đói vào năm 2021 so với xu hướng trước đại dịch.

Theo IMF, nhu cầu tài chính lớn của chính phủ là một nguồn dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thu nhập thấp, nơi các điều kiện tài chính nhạy cảm với lãi suất toàn cầu trong khi các ngân hàng trung ương đã bắt đầu tăng lãi suất tham chiếu ngắn hạn.

Do đó, chính sách tài khóa sẽ cần phải ứng phó nhanh chóng với những thách thức này và tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu, từ đó nâng cao khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai hoặc các cuộc khủng hoảng khác.

Chuyên đề