Ảnh Internet |
Theo báo cáo April Fiscal Monitor của IMF, tổng nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 164 nghìn tỷ USD trong năm 2016, tương đương 225% GDP thế giới. Con số này con hơn 13% so với mức đỉnh năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo ông Vitor Gaspar – Giám đốc bộ phận các vấn đề tài chính tại IMF – cho biết con số này, cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc các chính phủ cần xây dựng bộ đệm và giảm mức nợ công để đối mặt với “những thách thức mà sẽ không bao giờ tránh khỏi trong tương lai”.
Báo cáo của IMF cho biết khối nợ của các nền kinh tế phát triển đã vượt xa so với các nước mới nổi. Nợ trung bình của các nước phát triển hiện chiếm 105% GDP toàn cầu. Trong khi đó, con số này của các quốc gia có thu nhập trung bình và các quốc gia có thu nhập thấp lần lượt là 50% và hơn 40%.
Theo ông Gaspar, IMF dự báo nợ công trên GDP của các nền kinh tế phát triển, trừ Mỹ, sẽ giảm trong giai đoạn 2017-2023. “Mỹ là quốc gia duy nhất có tỷ lệ nợ trên GDP tằng từ 108% lên 117% vào năm 2023”, ông Gaspar cho biết.
Một báo cáo khác về ổn định tài chính toàn cầu của IMF, được công bố hồi đầu tháng này, cũng chỉ ra rủi ro tài chính ngắn hạn đã tăng trong vài tháng gần đây do sự biến động của thị trường tài chính. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và thương mại cũng là một phần nguyên nhân khiến rủi ro ngắn hạn gia tăng.
“Những gì chúng ta đang thấy là các tuyên bố về thương mại và các hành động đã được thực hiện đang khiến giới đầu tư cảm thấy bất ổn”, Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và vốn tại IMF Tobias Adrian cho biết.
Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ các nước nên có biện pháp giải quyết rủi ro trong khi điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn thuận lợi, bởi “con đường phía trước có thể gập ghềnh”.