IMF: Mỹ và Trung Quốc đang đẩy nợ toàn cầu lên kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ, Trung Quốc và những nền kinh tế lớn khác cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết nợ toàn cầu sắp lên mức cao kỷ lục trong 5 năm tới. Khối nợ này sẽ hạn chế khả năng ứng phó của các quốc gia trước những khủng hoảng trong tương lai.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

IMF dự báo, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ đạt 99,6% vào năm 2028, gần với mức đỉnh của năm 2020 - thời điểm các chính phủ cùng vay nợ để vực dậy nền kinh tế sau những tổn hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giám đốc Bộ phận Vấn đề Tài khóa của IMF - ông Vitor Gaspar cho biết, gánh nặng nợ của thế giới đang tăng trở lại sau khi đi xuống vào năm 2021 và 2022 nhờ lạm phát và sự phục hồi nhanh chóng của nhiều nền kinh tế tiên tiến.

"Trong tương lai, nợ công không chỉ tăng cao hơn mà còn nhanh hơn kỳ vọng trước đại dịch", ông Gaspar cho biết và nhận định, tình trạng này đang đặt nền kinh tế toàn cầu đi chệch hướng khi phải đối mặt với những lo ngại ngắn hạn về suy thoái kinh tế và khủng hoảng tín dụng do bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gây ra hiện nay.

"Bạn cần chuẩn bị thêm dư địa tài khóa để sẵn sàng đối mặt với những diễn biến bất lợi, có thể là về kinh tế hoặc tài chính", ông Gaspar cho biết.

Theo Bloomberg, ngoài những rủi ro ngắn hạn, các chính phủ cũng cần phải ở trong tình trạng tài chính mạnh mẽ để đối phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi xanh và xu hướng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ.

Tuy nhiên, bất chấp những dự báo gập ghềnh phía trước, ông Gaspar cho biết, IMF tin rằng các nhà hoạch định chính sách tài khóa đã có cách tiếp cận đúng đắn vào năm 2020 để đối mặt với Covid-19.

Để nhanh chóng thu hẹp thâm hụt tài khóa, IMF cho rằng, các nước có thể hạn chế trợ giá năng lượng. "Sự hỗ trợ cần được hướng đến những người thực sự cần. Điều này sẽ giúp giảm thâm hụt và tăng hiệu quả", Phó Giám đốc Bộ phận Vấn đề Tài khóa của IMF Paolo Mauro nhận xét.

IMF cho biết, Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang thúc đẩy sự gia tăng của nợ toàn cầu. Tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ được dự đoán sẽ tăng từ 121,7% vào năm 2022 lên mức 136,2% vào năm 2028. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tỷ lệ này sẽ tăng từ 77,1% lên 104,9% trong cùng giai đoạn.

Ngoài ra, Brazil, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cũng được dự báo có tốc độ tăng trưởng nợ hơn 5% GDP trong 5 năm tới.

Nếu không phải chịu gánh nặng nợ ngày càng tăng nhanh ở Mỹ và Trung Quốc, nợ toàn cầu có thể sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn từ 2022 - 2028. Theo IMF, nhiều nền kinh tế phát triển có thể trả được chi phí nợ ngày càng tăng, nhưng điều này là không thể đối với các nước có thu nhập thấp. Khoảng 60% các nước có thu nhập thấp đang rơi vào tình cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ phải đối mặt với nợ nần.

Thay vì giảm gánh nặng và chi phí trả nợ, trong hai năm qua, nhiều nước nghèo lại chứng kiến kết quả ngược lại. Đây là hệ quả của việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và đồng USD mạnh hơn đã lấn át những nỗ lực giảm gánh nặng nợ trong đại dịch.

Theo Bloomberg, IMF và World Bank đã và đang kêu gọi các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc - chủ nợ song phương lớn nhất của các thị trường mới nổi, nhanh chóng đồng ý tái cơ cấu nợ; tuy nhiên, nỗ lực kêu gọi này đang đi vào bế tắc.

Chuyên đề