IMF: "Không thể loại trừ khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu đã "xấu đi đáng kể" từ tháng 4, "không thể loại trừ" khả năng suy thoái trong năm tới.

Trao đổi với Reuters, bà Kristalina Georgieva cho biết, trong vài tuần tới, IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay. Hiện tại, mức dự báo là 3,6%. Các nhà kinh tế của IMF vẫn đang hoàn thiện con số mới nhất.

IMF sẽ công bố dự báo cập nhật cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng 7, sau khi đã hạ dự báo gần 1 điểm phần trăm trong tháng 4.

"Triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể từ lần cuối chúng tôi cập nhật dự báo hồi tháng 4", bà Kristalina Georgieva cho biết. Nguyên nhân là lạm phát lan tràn toàn cầu, nhiều nước nâng lãi suất mạnh tay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và các lệnh trừng phạt leo thang liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Khi được hỏi liệu có loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu không, bà Kristalina Georgieva cho biết: "Rủi ro đang tăng lên, nên chúng ta không thể loại trừ".

Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy, một số nền kinh tế lớn, kể cả Trung Quốc và Nga, đã tăng suy giảm trong quý II. "Năm 2022 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, năm 2023 có thể còn khó khăn hơn. Rủi ro suy thoái sẽ tăng lên trong năm tới", bà Kristalina Georgieva nhận xét.

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ suy thoái. Hôm 6/7, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tiếp tục vượt qua lợi suất kỳ hạn 10 năm trong ngày thứ hai liên tiếp. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu là chỉ báo đáng tin cậy cho suy thoái.

Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Fed không muốn đẩy Mỹ đến suy thoái. Tuy nhiên, cơ quan này cam kết kiểm soát lạm phát, dù làm vậy có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Bà Kristalina Georgieva cho rằng, việc thắt chặt điều kiện tài chính trong thời gian dài sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu thêm phức tạp; tuy nhiên, đây cũng là hành động cần thiết để khống chế giá cả leo thang. "Tăng trưởng kinh tế chậm lại là cái giá chúng ta bắt buộc phải trả để đáp ứng nhu cầu cấp thiết là ổn định giá cả", bà nhận xét.

Chuyên đề