Hydro xanh - Định hình lại bản đồ năng lượng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo một báo cáo của Deloitte, với việc hỗ trợ chuyển hydro sạch trở thành nguồn năng lượng bền vững và đáng tin cậy, thị trường hydro xanh dự kiến sẽ dẫn đầu về giá trị trong việc trao đổi mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng vào năm 2030. Năm 2050, quy mô của thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo cáo với tiêu đề "Hydro xanh: Tiếp sức cho lộ trình đạt phát thải ròng bằng không" của Deloitte nhận định, các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể nắm bắt những cơ hội hydro xanh mang lại để đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon khi thực hiện các khoản đầu tư vào tăng trưởng bền vững.

Theo Báo cáo, mức tăng trưởng của thị trường hydro xanh có thể đóng vai trò quan trọng với các nền kinh tế công nghiệp hóa, nhưng với các nước đang phát triển, hydro xanh còn mang đến cơ hội tăng trưởng bền vững nếu khoản đầu tư vào lĩnh vực này thực sự đáng kể và đúng mục tiêu.

Hydro xanh là hydro được sản xuất từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió. Quá trình tạo ra hydro xanh có nghĩa là các sản phẩm phụ duy nhất là hơi nước và oxy - quá trình sản xuất năng lượng sạch hoàn toàn không có khí thải carbon.

Khác với hydro xanh, hydro sạch được tạo ra từ cả năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch thông qua việc sử dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

Nghiên cứu chỉ ra rằng hydro sạch có thể giúp giảm tới 85 gigaton lượng khí thải CO2 tích lũy vào năm 2050, gấp đôi lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2021. Deloitte phân tích triển vọng tương lai chi tiết trên các phương diện: chi phí, sản xuất và thị trường của hydro, đưa ra những thách thức kinh doanh của việc triển khai thành công hydro sạch, cũng như những phân tích chuyên sâu về các động lực thị trường khác nhau như quy mô cơ sở hạ tầng tối ưu, nhu cầu đầu tư và các lựa chọn công nghệ.

"Hydro sạch có tiềm năng mang đến cơ hội độc nhất cho các quốc gia đang phát triển nhằm đẩy nhanh tiến trình đến một tương lai phát thải thấp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững", ông David Hill, Tổng Giám đốc Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.

Theo ông David Hill, mặc dù các loại năng lượng tái tạo khác cũng cần thiết cho một tương lai phát thải ròng bằng không, nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng, việc nắm bắt thời cơ phát triển hydro sạch và đầu tư phát triển lĩnh vực này, các quốc gia có thể giảm thiểu lượng phát thải carbon một cách đáng kể, tạo ra các ngành nghề và việc làm mới; đồng thời cải thiện an ninh năng lượng, đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Báo cáo của Deloitte chỉ ra, với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng giao thông đa dạng, thương mại liên vùng là chìa khóa giúp mở ra toàn bộ tiềm năng của thị trường hydro sạch. Các khu vực hiện có thể sản xuất hydro ở mức chi phí cạnh tranh cùng sản lượng vượt nhu cầu trong nước đã tự định vị là đơn vị xuất khẩu hydro trong tương lai - cung cấp hydro cho các khu vực khác ít cạnh tranh hơn về giá và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra thuận lợi. Đến năm 2050, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ nắm giữ hơn 65% thị trường này và 15% doanh thu sẽ tích lũy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 55% thị trường vào năm 2030, do nhu cầu tăng vọt tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khoảng 40% mức đầu tư cần thiết để mở rộng quy mô ngành công nghiệp hydro sạch cần được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc chuyển đổi hydro sạch có thể hỗ trợ tới 1,5 triệu việc làm mỗi năm ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050, phần lớn những việc làm này sẽ ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Will Symons, Lãnh đạo Phát triển bền vững và Quản trị biến đổi khí hậu, Deloitte châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Báo cáo cũng nêu chi tiết về việc phần lớn các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng là cần thiết để tối ưu hóa giá trị toàn cầu của hydro sạch. Báo cáo ước tính cần hơn 9 nghìn tỷ USD đầu tư tích lũy trong chuỗi cung ứng hydro sạch toàn cầu để giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, bao gồm 3,1 nghìn tỷ USD ở các nền kinh tế đang phát triển. Châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư 150 tỷ đô la Mỹ trung bình mỗi năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư trung bình toàn cầu là 375 tỷ USD. Doanh thu từ xuất khẩu hydro sạch giúp các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ngày nay bù đắp doanh thu giảm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư