Để giải tỏa hết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải là rất lớn. Ảnh: Nguyễn Thế Anh |
Theo đó, liên quan đến đề xuất cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Công Thương cho rằng, để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hoá trong điều kiện Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa được ban hành, Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải điện, theo hướng Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Trường hợp Luật PPP ban hành và có hiệu lực, trong đó cho phép đầu tư tư nhân tham gia đầu tư (xã hội hóa) lưới điện truyền tải thì việc đầu tư tư nhân có thể áp dụng luật này.
Đánh giá về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho rằng, hiện nay, việc đầu tư lưới điện truyền tải chủ yếu do EVN thực hiện. Để giải tỏa hết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải rất lớn. Việc này yêu cầu nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn nhà nước bị hạn chế. Do đó, nhu cầu huy động các nguồn vốn khác trong đầu tư lưới điện truyền tải là cấp bách.
Theo Ủy ban, tại Khoản 2 Điều 4 về chính sách phát triển điện lực, Luật Điện lực số 28/2004/QH14 quy định: “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”. Tuy nhiên, Luật Điện lực lại không quy định rõ về hoạt động truyền tải bao gồm những hoạt động cụ thể nào (đầu tư, quản lý, vận hành…). Điều này gây khó khăn cho công tác huy động các nguồn vốn khác trong đầu tư lưới điện truyền tải.
Dự thảo Tờ trình Nghị quyết giải thích về hoạt động truyền tải theo quy định của Luật Điện lực cũng chỉ ra, Luật Điện lực chưa thể hiện việc đầu tư lưới điện truyền tải là độc quyền, chỉ do đơn vị truyền tải thực hiện. Cũng do Luật Điện lực chưa có quy định rõ hoạt động truyền tải có bao gồm hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, nên dù Nghị định số 63/2018/NĐ-CP cho phép đầu tư lưới điện truyền tải nhưng trên thực tế chưa có trường nào áp dụng nghị định này để đầu tư.
Dự thảo Nghị quyết nêu thực tế việc đầu tư lưới điện truyền tải hiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo. Hơn nữa, do cách hiểu độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải bao gồm cả việc đầu tư lưới điện truyền tải nên doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đấu nối các dự án nguồn điện tới điểm đấu nối theo thỏa thuận với đơn vị truyền tải.
“Việc ban hành Nghị quyết giải thích hoạt động truyền tải là rất cần thiết để thống nhất cách hiểu, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định pháp luật và phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải”, Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh.
Ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải, song EVNNPT cũng lưu ý là cần xác định rõ phạm vi giữa Hệ thống truyền tải điện quốc gia và Hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, nếu đề xuất này được được chấp thuận thì tới đây chúng ta có thể huy động được vốn đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia, giải quyết một phần khó khăn về vốn của EVNNPT cũng như vốn đầu tư nói chung. “Việc này cũng không vi phạm quy định của Luật Điện lực”, ông Long cho biết.