Quảng Bình là địa phương nhiều tiềm năng và giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Ảnh: Lê Tiên |
Đánh thức “Vương quốc hang động” Quảng Bình
Với tiềm năng sẵn có, Quảng Bình đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà cả trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)…
Sở hữu Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng với 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, Quảng Bình được định vị là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. Hoạt động du lịch của Tỉnh gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc như: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp. Đến năm 2030, đóng góp của ngành du lịch dự kiến đạt 10 - 12% GRDP.
Theo đó, Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư các dự án tham quan, thám hiểm hang động tại vùng đệm hoặc phân khu hành chính của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng - nơi có hàng nghìn hang động lớn nhỏ, nổi bật nhất là Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, nhiều bãi tắm đẹp, suối nước nóng Bang cùng nhiều di tích lịch sử. Tiếp đến là các dự án tham quan trải nghiệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp cận từ trên cao bằng các loại hình phương tiện phù hợp, đảm bảo yếu tố bền vững và bảo tồn tài nguyên nhằm khai thác tiềm năng về đa dạng sinh học giá trị cao, hệ động thực vật đặc hữu, quý hiếm và cảnh quan hùng vĩ, đặc sắc. Cuối cùng là các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế, kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khác biệt, riêng có tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Với định hướng rõ ràng, các dự án du lịch tại Quảng Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Đơn cử, Tập đoàn Đèo Cả đang nghiên cứu Dự án tuyến đường kết nối thành phố Đồng Hới tới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tổng chiều dài 24 km, tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.900 tỷ đồng. Hay Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng nghiên cứu đầu tư Dự án Sân golf Ocean Links (diện tích 197 ha) và Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Chạy Lập tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (diện tích khoảng 12 ha) với tổng vốn đầu tư 1.370 tỷ đồng…
Về các dự án đầu tư công liên quan đến lĩnh vực du lịch, Quảng Bình ưu tiên thực hiện Dự án Nâng cấp tuyến đường kết nối du lịch từ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đến khu vực phía Nam thị xã Ba Đồn, Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuyến đường du lịch Trường Xuân - Trường Sơn.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đánh giá, Quảng Bình là địa phương nhiều tiềm năng và giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Từ năm 2016, Hanoitourist đã nghiên cứu triển khai đầu tư Khách sạn Pullman Quảng Bình tại bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, quy mô 5 ha, gồm 283 phòng và 13 căn villa với tiêu chuẩn 5 sao. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Dự án phải lùi tiến độ, dự kiến khai thác, vận hành vào năm 2024. Trong suốt quá trình đầu tư, Hanoitourist đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời của các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Bình.
Cơ hội đầu tư rộng mở
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế, trong thời gian tới, Quảng Bình tập trung khuyến khích, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao…
Quảng Bình đã cho phép nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí... Danh mục dự án đầu tư phát triển nguồn điện trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 gồm 44 dự án.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi, cho phép nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí... Danh mục dự án đầu tư phát triển nguồn điện trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 gồm 44 dự án.
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng KCN, CCN, Quảng Bình ưu tiên đầu tư KCN cửa ngõ phía Tây huyện Quảng Trạch, KCN Bố Trạch huyện Quảng Trạch, KCN Bang huyện Lệ Thủy… Hiện Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đang nghiên cứu Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Bố Trạch với phạm vi nghiên cứu khảo sát khoảng 860 ha, tổng vốn dự kiến 6.800 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình đang nghiên cứu đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên, huyện Lệ Thủy với tổng vốn đầu tư 1.840 tỷ đồng…
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chính sách thu hút đầu tư, Quảng Bình đã công khai, minh bạch những cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh, các sở, ngành. Quảng Bình là tỉnh thứ 9 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch khu chức năng… đã được phê duyệt và thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh làm cơ sở để thu hút đầu tư.
Đánh giá tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho rằng, cơ hội đầu tư tại Quảng Bình hiện nay là sản xuất, logistics, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp bền vững. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) thì cho biết, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, Quảng Bình đang tích cực triển khai thực hiện 10 cam kết của lãnh đạo Tỉnh đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, trọng tâm xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành. Quảng Bình đã và đang nỗ lực thay đổi căn bản, toàn diện môi trường đầu tư, bảo đảm để nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định.