Hướng tới liên kết đào tạo nhân lực xây dựng chất lượng cao

(BĐT) - Cùng với sự phát triển của ngành xây dựng, các nhà thầu Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn ra thắng thầu ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố nguồn vốn, trang thiết bị và công nghệ, các doanh nghiệp (DN) xây dựng ngày càng tập trung hơn vào yếu tố con người - nguồn lực để gia tăng hơn nữa khả năng cạnh tranh của DN. 
Các nhà thầu xây dựng muốn gia tăng khả năng cạnh tranh thì cần tự nâng cao trình độ của cán bộ kỹ thuật và công nhân. Ảnh: Lê Tiên
Các nhà thầu xây dựng muốn gia tăng khả năng cạnh tranh thì cần tự nâng cao trình độ của cán bộ kỹ thuật và công nhân. Ảnh: Lê Tiên

Nhân dịp đầu xuân mới, Báo Đấu thầu đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) xoay quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết thực trạng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng hiện nay?

Trong những năm gần đây, giới nhà thầu xây dựng đang có sự phân hóa, phân cách rõ nét. Các DN xây dựng tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực dân dụng đang phát triển, mạnh lên trở thành những DN đầu ngành. Bên cạnh nguồn vốn, trang thiết bị và công nghệ xây dựng, sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà thầu này có sự đóng góp đáng kể của yếu tố con người.

Thực tế, ngoài công nhân lao động chuyên nghiệp, lao động kỹ thuật cao thì các nhà thầu xây dựng vẫn phải sử dụng một lực lượng lớn lao động thời vụ, lao động phổ thông. Dĩ nhiên, với những DN xây dựng càng phát triển, tỷ lệ công nhân lao động chuyên nghiệp so với công nhân thời vụ sẽ càng nhiều lên.

Trước kia, nguồn nhân lực cung cấp cho lĩnh vực xây dựng chủ yếu là từ các cơ sở giáo dục và hệ thống trường đào tạo sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để đào tạo. Nhưng hiện nay, với những đòi hỏi cao của lĩnh vực xây dựng, cùng với cơ chế thị trường thì hệ thống đào tạo nguồn nhân lực xây dựng cũng đang có những thay đổi lớn.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về chất lượng đào tạo cũng như tỷ lệ việc làm từ số lao động được qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo này, nhưng thực tiễn cho thấy, hoạt động của các cơ sở đào tạo công lập trong lĩnh vực xây dựng chưa đi vào thực chất. Chất lượng của đội ngũ lao động tốt nghiệp tại các trường vẫn chưa theo kịp được nhu cầu thực tế của DN.

Trong ngành xây dựng thì rất thiếu những lao động chuyên biệt, chuyên sâu như cơ điện, hoàn thiện công trình. Trong khi đó, những cơ sở đào tạo hiện tại lại không cung cấp cho thị trường nguồn lực lao động này. Ngay cả những thợ thủ công trong tình hình mới cũng cần có những cách dạy nghề mới (như  về an toàn lao động tại công trường, tác phong công trường...).

Thực tế này dẫn đến việc, các cơ sở đào tạo công lập thì teo tóp dần, hoặc giải thể, hoặc thay đổi hình thức… trong khi các DN lại phải mở trường đào tạo cho chính mình. Theo thông tin từ các thành viên của VACC, một số DN hiện có chương trình đào tạo lao động khá kỹ lưỡng và bài bản. Họ đào tạo lao động theo từng chuyên đề và theo chuyên ngành đào tạo riêng để phục vụ cho nhu cầu công việc của chính DN mình.

Hướng tới liên kết đào tạo nhân lực xây dựng chất lượng cao ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Các DN xây dựng dẫn đầu hiện nay tập trung đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để gia tăng sức cạnh tranh, thưa ông?

Thực tế yêu cầu công việc đòi hỏi DN phải tự nghĩ ra những phương thức đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng cho mình. Đơn cử với các công trình dân dụng, trước đây nhà chỉ có 15 - 20 tầng thì nguồn nhân lực thực hiện cũng khác. Giờ có những tòa nhà lên tới vài chục tầng, thậm chí lên tới hàng trăm tầng thì ngay việc lắp cẩu, làm thế nào để đưa vật tư, vật liệu lên độ cao như vậy đòi hỏi tri thức nghề nghiệp chuyên sâu hơn rất nhiều.

Các nhà thầu xây dựng muốn vươn lên, gia tăng khả năng cạnh tranh và đi đầu thì cần tự nâng cao trình độ của cán bộ kỹ thuật và công nhân của mình. Thậm chí có những DN xây dựng còn dành một nguồn lực để đầu tư cho công nhân tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác với nước ngoài về đào tạo nhân lực.

Coteccons khi xây dựng tòa nhà 81 tầng cao nhất Việt Nam thì họ có rất nhiều buổi họp chuyên đề chỉ để dựng cẩu như thế nào và đưa vật liệu xây dựng lên trên cao như thế nào cho an toàn. Thậm chí họ phải thuê cả chuyên gia nước ngoài để có những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án tiếp theo một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Những DN lớn đều xác định đội ngũ kỹ thuật và công nhân lành nghề chính là một trong những lợi thế cạnh tranh nên họ đầu tư rất bài bản cho đội ngũ này. Một trong những lý do mà các DN lớn vượt hẳn được lên là do họ có tiềm lực để tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho họ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa có cách thức tự tổ chức đào tạo. Khi tiếp xúc với một số DN này thì họ rất lúng túng và mong muốn VACC kết nối để giúp họ học hỏi từ các DN lớn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

VACC có những định hướng  nào để hỗ trợ các DN thành viên phát triển nguồn nhân lực?

VACC đang trăn trở làm thế nào để hệ thống hóa và liên kết được hệ thống đào tạo nguồn nhân lực tại các DN xây dựng.

Ví dụ, Coteccons mạnh ở lĩnh vực này, họ đào tạo được một nguồn nhân lực nhưng lại chưa sử dụng được hết trong giai đoạn hiện tại thì liệu có thể liên kết đào tạo để có thể sử dụng được cho các DNNVV không? Hay những DNNVV số lượng nhân lực ít, không đủ tiềm lực để mở các lớp đào tạo, các khóa đào tạo bài bản thì có thể nhờ đào tạo ở các DN lớn? VACC đang thay đổi định hướng trong công tác đào tạo, làm sao gắn kết để DN lớn có thể hỗ trợ DN nhỏ.

Vừa qua, VACC tổ chức được khóa đào tạo cho 50 kỹ sư trưởng. Mặc dù các kỹ sư đã qua đào tạo cơ bản nhưng khóa đào tạo này vẫn được phản hồi tích cực nhờ việc đưa ra những định hướng quản lý DN xây dựng theo cách mạng công nghiệp 4.0 là như thế nào? Tuy nhiên, để có chiến lược lâu dài, chúng tôi cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng để có chương trình, đề án cụ thể. VACC cũng từng tính đến cả những khóa đào tạo, tham quan và học tập nước ngoài cho các thành viên của Hiệp hội tham gia nhưng do kinh phí quá lớn nên chưa thể thực hiện được.

Trước mắt, để đảm bảo tính đại trà, VACC đang nghiên cứu phương thức để các DNNVV học hỏi chính những DN lớn trong nước để giảm chi phí. Vấn đề là các DN lớn liệu có sẵn sàng hỗ trợ, mở cửa cho các DN nhỏ đến học hỏi không?

Trong định hướng thời gian tới, VACC cũng sẽ từng bước kết nối các thành viên của Hiệp hội để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Cùng với đó, nghiên cứu khả năng hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo của các DN trong Hiệp hội để hướng tới đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của từng DN, từng mảng công việc mà DN quan tâm.

Chuyên đề