Hướng ra khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, không ít đơn vị mua sắm ngành y tế chật vật tìm kiếm nhà thầu cung ứng thuốc, dù gia hạn, đấu thầu đi đấu thầu lại vẫn không thành công. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ, khiến nhiều bệnh nhân thuộc diện được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phải tự bỏ tiền mua thuốc. Một số giải pháp tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập được kỳ vọng khắc phục phần nào tình trạng trên.
Nhiều gói thầu mua thuốc tại một số cơ sở y tế không lựa chọn được nhà thầu dù mời thầu nhiều lần. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhiều gói thầu mua thuốc tại một số cơ sở y tế không lựa chọn được nhà thầu dù mời thầu nhiều lần. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Những mặt hàng khó mua sắm

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải gửi công văn “cầu cứu” Bộ Y tế vào cuộc để hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung, vì nhiều lần tổ chức đấu thầu mua 8 mặt hàng thuốc thiết yếu điều trị cho bệnh nhi, nhưng không thành công. Trong các lần mời thầu, một số mặt hàng có nhà thầu tham dự nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu; một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự.

Bệnh viện Bạch Mai cũng từng phải gửi công văn đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhập khẩu 12 loại thuốc của 3 chuyên khoa, gồm: chống độc, tim mạch và nội tiết. “Đây là những loại thuốc thiết yếu cho điều trị. Việc không có sẵn thuốc thiết yếu khiến công tác cấp cứu, điều trị của Bệnh viện gặp khó khăn”, lãnh đạo Bệnh viện cho biết.

Đầu năm 2024, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa phải hủy Gói thầu số 3 Vị thuốc cổ truyền (hơn 13,389 tỷ đồng) thuộc Dự toán Cung ứng thuốc cho các đơn vị trong ngành y tế năm 2023 - 2025 vì không có nhà thầu tham dự. Bên cạnh đó, có tới 44 phần (lô) của Gói thầu số 1 Thuốc Generic (hơn 1.576 tỷ đồng) thuộc cùng Dự toán không chọn được nhà thầu…

Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, gần 500 danh mục thuốc đấu thầu tập trung năm 2023 (đợt 1) không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Đặc biệt, Gói thầu Vị thuốc cổ truyền và Gói thầu Thuốc methadone được mời thầu 2 lần vào năm 2022 và 2 lần vào năm 2023 nhưng đều không có nhà thầu tham dự. Một số thuốc như Albumin, Globulin, Immunoglobulin… mua sắm khó khăn do không có sẵn thuốc, nguồn cung rất hạn chế.

Linh động trong việc tổ chức đấu thầu

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc do gặp khó khăn trong lựa chọn nhà thầu (LCNT), nhiều giải pháp đã được đưa vào Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Cụ thể, đối với thuốc không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện việc mua sắm.

Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thỏa thuận về việc thống nhất để một đơn vị làm đầu mối thực hiện mua sắm, thì đơn vị đó thực hiện việc tổng hợp nhu cầu của các đơn vị còn lại trong thỏa thuận và thực hiện việc mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thỏa thuận phải thể hiện bằng văn bản và có các nội dung về trách nhiệm lập, gửi nhu cầu mua sắm và trách nhiệm thanh toán chi phí.

Đối với trường hợp các đơn vị không có thỏa thuận và không thể tự tổ chức LCNT hoặc đã tổ chức LCNT nhưng không thành công thì gửi nhu cầu mua sắm thuốc về cơ quan quản lý. Chẳng hạn, các đơn vị thuộc Bộ Y tế quản lý hoặc trong trường hợp có từ 2 tỉnh trở lên đề nghị thì Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức việc mua sắm...

Về thời hạn xử lý, Thông tư số 07/2024/TT-BYT nêu rõ, sau khi nhận được văn bản đề nghị của đơn vị, trong thời gian 10 ngày, cơ quan quản lý có trách nhiệm chỉ định đơn vị thực hiện việc mua sắm. Trường hợp không chỉ định phải có văn bản trả lời đơn vị và nêu rõ lý do.

Một số nội dung sửa đổi trên từng được đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí kiến nghị nhiều lần để vượt qua tình trạng khó khăn trong mua sắm thuốc hiếm, thuốc ít nhu cầu sử dụng nhưng là thiết yếu.

Trên thực tế, để xử lý tình trạng thiếu thuốc trong tình thế cấp bách, không ít lần, Cục Quản lý dược đã phải rà soát đến từng số đăng ký lưu hành, từng doanh nghiệp nhập khẩu… Trong một số trường hợp, Bộ Y tế đã ưu tiên cấp phép nhập khẩu thuốc khi chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho các doanh nghiệp để có nguồn cung thuốc kịp thời phục vụ điều trị trong “thời điểm vàng”. Thậm chí, khi nguồn cung toàn cầu bị hạn chế, Bộ Y tế đã phải “nhờ cậy” con đường ngoại giao để có thuốc phục vụ khám chữa bệnh.

Với việc phân cấp rõ ràng, linh động trong việc hình thành gói thầu, tổ chức gói thầu và gia tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương và địa phương, một số cơ sở y tế tin rằng, nguồn cung thuốc sẽ được đảm bảo, góp phần khắc phục tình trạng thiếu thuốc trầm trọng thời gian qua.

Chuyên đề