Hưởng lợi giá dầu, DN săm lốp chờ phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa các thành viên OPEC+ đã đẩy giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục. Với doanh nghiệp trồng, khai thác mủ cao su hay ngành xăng dầu, khí thì đây được coi là một cú sốc lớn, nhưng ngược lại, giá dầu giảm lại là yếu tố có lợi với ngành cao su chế biến săm lốp.
Hoạt động tiêu thụ của doanh nghiệp săm lốp bị ảnh hưởng mạnh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: St
Hoạt động tiêu thụ của doanh nghiệp săm lốp bị ảnh hưởng mạnh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: St

Quý I hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm

Thế giới hiện sử dụng cùng lúc 2 loại cao su: cao su thiên nhiên được khai thác từ cây cao su và cao su tổng hợp được chế biến từ dầu mỏ. Giá dầu giảm sẽ làm giảm giá cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, hai nguyên liệu đầu vào chính cho sản phẩm lốp xe. Các doanh nghiệp kinh doanh săm lốp như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) và Công ty CP Cao su Sao Vàng được đánh giá là hưởng lợi lớn nhờ giá nguyên vật liệu giảm.

Kết thúc quý đầu năm 2020, doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất hiện là Casumina ghi nhận doanh thu thuần đạt 944,3 tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý I/2019. Doanh thu tăng trong khi giá vốn tăng với tốc độ chậm hơn giúp lợi nhuận gộp đạt 146,2 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kết thúc quý I, Casumina có một kỳ tăng trưởng đột phá với mức lợi nhuận sau thuế 12,7 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Cao su Đà Nẵng, cao su và than là hai loại nguyên vật liệu chính, chiếm tỷ trọng tương ứng 40% và 15% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu. Sự sụt giảm về giá cao su và than đã tạo nên tác động tích cực đối với Công ty khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể. Trong quý đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu giảm 3% xuống 803 tỷ đồng, nhưng nhờ giá mua nguyên vật liệu giảm sâu nên lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng 47,5% lên 118 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 14,5%. Kết thúc quý I, Cao su Đà Nẵng thu về 37,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp còn lại là Cao su Sao Vàng ghi nhận lãi sau thuế đạt 7,4 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu thuần giảm 15,6% xuống 194,2 tỷ đồng. Theo giải trình của Cao su Sao Vàng, doanh thu quí I giảm sút là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm xuống nhờ giá vật tư đầu vào giảm, giảm chi phí sản xuất khiến lợi nhuận tăng vọt so với quý I năm 2019.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ẩn từ dịch bệnh nhưng vẫn mở ra nhiều cơ hội với các doanh nghiệp săm lốp vì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (vừa được Quốc hội phê chuẩn) sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt, trong đó có săm lốp xe các loại.
Trong khi giá nguyên liệu giảm mạnh giúp nhóm doanh nghiệp săm lốp báo lãi lớn quý đầu năm thì rủi ro lại đến từ đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là nhu cầu ngành công nghiệp ô tô.

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2020 vừa được công bố, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết, tại thị trường nội địa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu tiêu thụ giảm mạnh từ giữa tháng 3/2020. Các doanh nghiệp lắp ráp dừng lấy hàng, các nhà phân phối chỉ hoạt động cầm chừng nên sản lượng bán hàng đã giảm trên 50%. Ngoài ra, hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Bộ cũng là nguyên nhân sụt giảm sản lượng tiêu thụ.

Đối với thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của Cao su Đà Nẵng, do đại dịch Covid-19, hàng loạt nước tuyên bố đóng cửa hoặc giảm các hoạt động giao thương, thậm chí có nước đã ngừng giao dịch hàng hoá và tiền tệ làm cho sản lượng tiêu thụ cũng như kim ngạch xuất khẩu giảm trầm trọng. Hiện tại, thị trường xuất khẩu chỉ duy trì được khoảng 30 - 40% sản lượng tiêu thụ do thị trường Mỹ và Brazil nhập hàng ít.

Trước tình hình đó, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần là 4.062 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2019, nhưng lợi nhuận trước thuế là 280 tỷ đồng, giảm 10,5%.

Lo ảnh hưởng từ dịch bệnh đến việc nhập nguyên vật liệu sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, Cao su Sao Vàng thừa nhận sức cạnh tranh sản phẩm của Công ty còn yếu. Năm 2020, Cao su Sao Vàng đặt kế hoạch doanh thu 916 tỷ đồng, giảm 1% so với mức thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 59%.

Ở góc độ tích cực hơn, Casumina đánh giá, mặc dù Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ẩn từ dịch bệnh nhưng vẫn mở ra nhiều cơ hội với các doanh nghiệp săm lốp vì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (vừa được Quốc hội phê chuẩn) sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt, trong đó có săm lốp xe các loại.

Bên cạnh đó, nguồn cung ứng sản phẩm săm lốp xe các loại của các nước nhập khẩu đặc biệt là thị trường Mỹ, có thể bị giới hạn do tác động từ chính sách thương mại và dịch bệnh đối với sản phẩm từ Trung Quốc, có thể xem là một cơ hội đối với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp của Việt Nam.

Năm 2020, Casumina đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.992 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, tăng 230%, mức chia cổ tức tối thiểu là 5%.

Chuyên đề