Tại tỉnh Hưng Yên, năm 2018, trong số 1.381 gói thầu sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước có 1.086 gói áp dụng hình thức chỉ định thầu. Ảnh: Ngọc Tú |
Điểm danh thiếu kiến nghị
Báo cáo nêu trên cho biết, năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên thành lập đoàn giám sát, thực hiện giám sát trực tiếp đối với 6 dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời, Sở thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với 17 kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, lao động và xã hội... Theo đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu được các chủ đầu tư thực hiện đảm bảo đúng trình tự quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn liên quan, không để xảy ra kiến nghị trong đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong năm 2018, riêng Báo Đấu thầu đã nhận được một số đơn kiến nghị của nhà thầu phản ánh việc bị chủ đầu tư/bên mời thầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên gây khó khăn trong quá trình tham dự thầu. Điển hình là vụ việc Công ty CP Thiên Nam Cường gửi đơn kiến nghị về việc UBND xã Ngọc Long (Hưng Yên) không bán hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Thi công xây dựng công trình khối nhà lớp học, hiệu bộ, phòng chức năng và nhà bếp 3 tầng thuộc Dự án Trường Mầm non trung tâm xã Ngọc Long hồi tháng 6/2018. Tiếp đến, tháng 7/2018, Công ty TNHH Xây lắp Đại Nghĩa kiến nghị UBND huyện Phù Cừ (chủ đầu tư) gây khó khăn cho nhà thầu khi tiếp cận HSMT Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Đường huyện 87, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Ngay sau đó, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đề nghị khẩn trương xem xét, xác minh sự việc.
Tháng 12/2018, Công ty TNHH MTV Xây dựng Dịch vụ Thương mại Thúy Đạt cũng có đơn kiến nghị về việc không mua được HSMT Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm đoạn từ chùa đến khu đấu giá thôn Đại Từ. Gói thầu này thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm do UBND xã Đại Đồng làm chủ đầu tư… Tất cả những kiến nghị nêu trên đều không được nhắc đến trong Báo cáo công tác đấu thầu năm 2018 của tỉnh Hưng Yên.
Chỉ định thầu 76,8% tổng số gói thầu
Cũng theo Báo cáo, năm 2018, tỉnh Hưng Yên thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với 1.573 gói thầu, gồm các gói thầu sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, gói thầu mua sắm sử dụng vốn chi thường xuyên và gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA. Trong đó, phần lớn các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Cụ thể, trong số 1.381 gói thầu sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thì có tới 1.086 gói thầu được lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu, chiếm tới 78,6% tổng số gói thầu. Chỉ có 238 gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, còn lại là các hình thức khác.
Đối với các gói thầu mua sắm sử dụng vốn chi thường xuyên, năm 2018, Hưng Yên thực hiện 190 gói thầu thì số lượng gói thầu lựa chọn bằng hình thức chỉ định thầu là 102 gói, chiếm tới trên 53% tổng số gói thầu….
Về lựa chọn nhà đầu tư năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, Tỉnh đã triển khai lựa chọn nhà đầu tư đối với 10 dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án này đảm bảo theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Theo Báo cáo, đã có 9 trong số 10 dự án đã lựa chọn xong nhà đầu tư. Điểm đáng chú ý, tất cả các dự án có sử dụng đất trên địa bàn đều được lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu. Điển hình như: Dự án Khu nhà ở để bán và Trung tâm thương mại dịch vụ Bắc Việt; Dự án Khu đô thị sinh thái Dream City; Dự án Khu nhà ở Phú Gia; Dự án Khu nhà ở liền kề, siêu thị, khách sạn và nhà hàng ăn uống tại xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên…