HSBC: Việt Nam vẫn duy trì tiến độ phục hồi khỏi suy thoái thương mại

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại báo cáo mới công bố, HSBC nhận định, Việt Nam vẫn duy trì tiến độ phục hồi khỏi suy thoái thương mại, mặc dù sự phục hồi không đồng đều vẫn tiếp diễn.

Theo HSBC, sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài của Việt Nam vẫn tiếp diễn trong tháng 5/2024. Tăng trưởng xuất khẩu nhảy vọt 13,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt cả kỳ vọng của thị trường (HSBC: 9,5%, Bloomberg: 10,6%). Tương tự như các tháng trước, điện tử tiêu dùng vẫn dẫn đầu, đóng góp 60% tăng trưởng.

Bên cạnh điện tử, mở rộng tiếp cận thị trường cũng đang giúp Việt Nam duy trì xuất khẩu nông nghiệp. Chẳng hạn, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc gần như gấp đôi trong 4 tháng đầu năm 2024, lấy bớt nhiều thị phần của Thái Lan ở Trung Quốc.

Sự cải thiện trong chu kỳ điện tử tiếp tục tiếp sức cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

Sự cải thiện trong chu kỳ điện tử tiếp tục tiếp sức cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn tươi sáng cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Cà phê, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam, đã chứng kiến giá tăng trên thế giới. Mặc dù giá trị xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng, nhưng khối lượng lại giảm đáng kể. Chưa kể, sản lượng thu hoạch năm nay có thể giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại, phản ánh mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các xu hướng khí hậu cũng như tác động của hiện tượng El Niño lên ngành nông nghiệp của ASEAN.

Thêm nữa, tình hình gián đoạn thương mại còn tiếp diễn, chẳng hạn như từ Trung Đông, cũng đặt thêm gánh nặng lên một số ngành hàng. Dệt may và da giày tiếp tục đi theo hướng ngược lại, nhiều khả năng là do lượng xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu và các tuyến đường thương mại liên quan. Trong khi đó, tình hình tắc nghẽn cảng biển ở châu Á cũng đòi hỏi phải giám sát chặt chẽ bởi khả năng tiếp tục tiếp diễn trong ngắn hạn.

Trong khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức hai con số, tăng trưởng nhập khẩu cũng không kém cạnh, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Nhập khẩu tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng thị trường (HSBC: 19,3%, Bloomberg: 20,0%). Trong sự gia tăng trên diện rộng, nhập khẩu năng lượng tăng đáng kể, có thể phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết nguồn cung năng lượng trong bối cảnh sản xuất thủy điện gặp điều kiện khó khăn do tình hình thời tiết bất lợi.

Các dòng FDI duy trì đúng tiến độ bằng mức của năm 2023

Các dòng FDI duy trì đúng tiến độ bằng mức của năm 2023

Triển vọng kinh doanh dài hạn cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. FDI duy trì đúng tiến độ để duy trì đà tăng trưởng từ năm 2023. FDI đăng ký mới từ đầu năm tới nay tăng trưởng hai con số, các dòng vốn gia tăng tập trung trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam với nhiều nhà sản xuất chính là Pandora, một thương hiệu trang sức, đã bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy với tổng trị giá 150 triệu USD ở Bình Dương.

Mặc dù lĩnh vực bên ngoài phục hồi tích cực, lĩnh vực trong nước chứng kiến một vài dấu hiệu yếu đi. Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thống kê theo tháng có điều chỉnh theo mùa, đã giảm nhẹ trong tháng 5/2024 và số lượng du khách quốc tế hàng tháng cũng hạ nhiệt xuống khoảng 1,4 triệu.

"Mặc dù mục tiêu của năm nay là đạt 17 - 18 triệu du khách có vẻ hoàn toàn trong tầm tay, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng khi các nước trong khu vực đã chạy đua trong việc ban hành cơ chế miễn thị thực", báo cáo của HSBC nhận xét.

Cuối cùng, lạm phát đòi hỏi giám sát chặt chẽ trong ngắn hạn. Lạm phát trong tháng 5/2024 neo ở mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước, gần chạm đến trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Phân tích chi tiết lại cho thấy một bức tranh khá đa chiều. Trong khi giá gạo giảm so với tháng trước, giá thịt lợn đẩy đà tăng giá thực phẩm nói chung lên. "Mặc dù giá dầu giảm, giá điện tăng, thể hiện trong chỉ số CPI với độ trễ là một tháng, nhắc chúng ta nhớ rằng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động hàng hóa toàn cầu như thế nào", báo cáo của HSBC cho hay.

Theo HSBC, yếu tố thúc đẩy tăng giá nhập khẩu chính là đồng VND yếu đi. Diễn biến tỷ giá do môi trường lãi suất cao kéo dài ở Mỹ đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải chủ động hơn trong giải quyết áp lực ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số biện pháp bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, chẳng hạn như thông qua nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt hơn.

Trong khi rủi ro tăng lãi suất tái cấp vốn trong ngắn hạn gia tăng, HSBC kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định bởi sự phục hồi kinh tế vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, một nước đi đòi hỏi sự cân bằng khéo léo.

Chuyên đề