Hợp sức thu hút nguồn lực quốc tế tới Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận một dấu ấn mới của Việt Nam trên trường quốc tế khi 2 quốc gia chính thức ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào ngày 7/3/2024. Nâng tầm quan hệ hợp tác mở ra nhiều cơ hội, trong đó có việc thu hút thêm các dự án mới từ Australia, trên nền tảng đến nay, Australia có hoạt động đầu tư tại 45 tỉnh, thành tại Việt Nam, nhưng quy mô chưa lớn.
Australia là quốc gia thứ 7 mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” tính đến thời điểm này. Ảnh: Dương Giang
Australia là quốc gia thứ 7 mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” tính đến thời điểm này. Ảnh: Dương Giang

Nâng tầm kết nối

Australia là quốc gia thứ 7 mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện”, bên cạnh 6 quốc gia trước đó là Trung Quốc (2008); Nga (2012); Ấn Độ (2016); Hàn Quốc (2018) và Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023). Trong khi nhiều nền kinh tế đã rót nguồn lực tài chính đáng kể đầu tư vào Việt Nam, thì Australia mới có 631 dự án, với quy mô vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ở mức khiêm tốn, 2,037 tỷ USD, tính đến ngày 20/2/2024.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lĩnh vực đầu tư lớn nhất của Australia vào Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với 133 dự án, có quy mô vốn 995 triệu USD. Lĩnh vực đứng thứ hai là ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú với 33 dự án, có quy mô vốn 154 triệu USD. Về phía các địa phương, TP.HCM có 309 dự án được đầu tư từ Australia, nhưng quy mô vốn chỉ hơn 231 triệu USD. Địa phương đứng đầu trong 45 tỉnh, thành có vốn đầu tư từ Australia là Bà Rịa - Vũng Tàu, với giá trị giải ngân đạt gần 400 triệu USD…

Liên quan đến hoạt động thương mại, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Australia năm 2022 đạt 25,7 tỷ đô la Australia, tăng 75% so với năm 2020. Năm 2023, kim ngạch thương mại có sự suy giảm (giảm 12%), nhưng được kỳ vọng “bước sang trang mới” từ năm 2024 khi 2 bên chính thức nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất. Trong Tuyên bố chung ngày 7/3/2024, hai bên cam kết mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy gắn kết kinh tế thông qua quan hệ thương mại và đầu tư song phương, tạo dựng môi trường thương mại và đầu tư cởi mở hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Hai bên sẽ thúc đẩy các biện pháp tiếp cận thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho cả hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy môi trường kinh doanh và pháp lý minh bạch, bao gồm hỗ trợ đầu tư và tài chính bền vững thông qua thị trường vốn và các cơ chế khác. Đặc biệt, hai bên sẽ tăng cường hợp tác xây dựng năng lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm của hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam…

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương Australia, ông Pat Conroy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại thông qua các dự án hợp tác cụ thể, hiệu quả, phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển, để tương xứng với mối quan hệ song phương vừa được nâng lên một tầm cao mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị hai bên triển khai các dự án cụ thể trong 8 lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (gồm nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế). Cùng với đó, Bộ trưởng mong muốn các bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện tử, bán dẫn - lĩnh vực Việt Nam có nhiều cơ hội và đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực trong tương lai gần.

Song hành cùng nỗ lực ngoại giao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường vốn, khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế vào Việt Nam thông qua việc mua cổ phần, chứng khoán của doanh nghiệp (DN) nội.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc ngày 7/3/2024, chia sẻ với gần 300 DN, nhà đầu tư tài chính quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bộ Tài chính mong muốn các nhà đầu tư quốc tế hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, củng cố lòng tin đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. “Chúng tôi cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các DN hai nước, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên 150 tỷ USD vào năm 2030 và Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia hàng đầu về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam”, ông nói.

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đại chúng, cần thực hiện công bố thông tin song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh để tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Quý Bắc

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đại chúng, cần thực hiện công bố thông tin song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh để tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Quý Bắc

Chủ động đón cơ hội

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, để chào đón nhà đầu tư quốc tế, các DN Việt Nam cần chủ động nâng tầm phát triển.

Trao đổi với các nhà đầu tư trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketing MBBank cho biết, một trong những điểm mới của MBBank năm 2024 là thực hiện chuyển đổi toàn Tập đoàn theo hướng ESG để phát triển bền vững và hướng theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo dự kiến của Hội đồng quản trị, năm 2024, MBBank sẽ thực hiện việc tăng vốn để củng cố năng lực tài chính chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mới, theo đó sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược xứng tầm. Cùng với đó, 2 trong số 6 công ty thành viên của MBBank là MBS và Mcredit sẽ thực hiện tăng vốn và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. “Điều khó nhất không phải là bán 10 hay 20% vốn, mà là phải tìm kiếm và chọn lựa các nhà đầu tư có khả năng thực sự, cộng lực với chúng tôi để cùng phát triển”, Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái chia sẻ.

Trong ngành ngân hàng, nhiều nhà băng đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn trong Đại hội đồng cổ đông 2023. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến chào bán 455 triệu cổ phiếu (gần 8% số cổ phần đang lưu hành hiện nay) cho nhà đầu tư chiến lược. SHB, HDBank… cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và chờ đợi có đối tác phù hợp trong thời gian tới đây.

Trong toàn nền kinh tế, Việt Nam có 800.000 DN đang hoạt động, trong đó có gần 2.000 DN đại chúng. Ông Lê Văn Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD) cho rằng, để thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là tìm được nhà đầu tư đi bền cùng DN Việt Nam, bên cạnh nỗ lực của Nhà nước, bản thân các DN cần chủ động cải thiện chính mình. Trước hết, các DN, nhất là DN đại chúng, cần thực hiện công bố thông tin song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh để tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế. Tiếp theo, báo cáo tài chính của DN cần sớm tuân thủ chuẩn mực quốc tế (IFRS) để cùng một ngôn ngữ tài chính với nhà đầu tư nước ngoài. Khi có sự thấu hiểu về giá trị thực tế, mục tiêu phát triển và niềm tin chiến lược, việc thu hút vốn ngoại vào DN Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ tích cực.

Chuyên đề