Hơn 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư “đổ” vào tỉnh Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề: “Hòa Bình - Điểm đến đầu tư bền vững” tổ chức ngày 26/2 tại TP. Hòa Bình, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án đầu tư vào Tỉnh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án đầu tư vào Tỉnh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Một số dự án điển hình là: Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thiện tại xã Yên Đồng, huyện Lạc Thủy, tổng vốn đầu tư 29.800 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lahills tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (122,5 tỷ đồng); Dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Bình Phú tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình của Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ (1.800 tỷ đồng); Dự án Khu nhà ở đô thị tại phường Dân Chủ, TP. Hòa Bình của Công ty CP Tập đoàn Danko (913,2 tỷ đồng)…

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, những con số ấn tượng này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Hòa Bình. Đây cũng là tín hiệu vui của chu kỳ phát triển mới, hứa hẹn những thành công và thắng lợi mới.

“Thông qua Hội nghị, Tỉnh mong muốn thể hiện quyết tâm đồng hành, chung vai, sát cánh cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng những cam kết cụ thể, rõ ràng để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng tính cạnh tranh”, ông Khánh nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, UBND Tỉnh đã công bố danh mục 35 dự án tiềm năng thu hút đầu tư. Trong đó có 6 dự án hạ tầng các khu công nghiệp (Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng trong KCN Nam Lương Sơn, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bảo Hiệu, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tân Phong…); 6 dự án KCN, tiểu thủ công nghiệp (Nhà máy chế biến gỗ HDF, các dự án sản xuất đầu tư vào KCN…); 6 dự án đầu tư vào hạ tầng thương mại, chợ…

Để môi trường đầu tư của Hòa Bình hấp dẫn hơn nữa, tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu Tỉnh cần thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.

Trước hết, Hòa Bình phải làm tốt quy hoạch, quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, từ đó làm bật lợi thế khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cũng như chỉ ra được những mâu thuẫn, tồn tại để giải quyết và vượt qua. “Làm tốt quy hoạch để Hòa Bình có dự án tốt. Dự án tốt, có nhà đầu tư tốt, từ đó mang lại lợi ích cho người dân”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng thời, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược: hạ tầng (cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); làm tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế góp phần tạo động lực phát triển.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư bền vững, từ đó hóa giải các thách thức phát triển; chú trọng chuyển đổi số, kinh tế số gắn với đổi mới sáng tạo; với doanh nghiệp, phải cầu thị, lắng nghe trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ…

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình). Tuyến đường có chiều dài 50km gồm 2 đoạn tuyến, do tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.120 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Đây là công trình trọng điểm giúp tỉnh Hòa Bình và các địa phương lân cận kết nối với Thủ đô Hà Nội; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chuyên đề