Kéo điện sinh hoạt về vùng nông thôn ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN |
Trong đó, có 85% từ ngân sách Trung ương (cấp trực tiếp hoặc cấp từ nguồn ODA, vốn ưu đãi khác) và 15% do chủ đầu tư thu xếp phù hợp với kế hoạch cấp vốn từ ngân sách Trung ương.
Đây là nội dung của Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015 – 2020 cho 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm cả 2 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) và các xã đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Mục tiêu là đến năm 2020, hầu hết hộ dân nông thôn trong cả nước sẽ được sử dụng điện.
Theo đó, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, cơ quan điều phối Dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).
Cụ thể, Dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt bao gồm: Tổng công ty Điện lực miền Bắc có 55 xã, thuộc 10 huyện tại tỉnh Lạng Sơn. Tổng công ty Điện lực miền Trung có 426 xã, thuộc 44 huyện tại 5 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên và Gia Lai. Tổng công ty Điện lực miền Nam có 1.048 xã, thuộc 107 huyện tại 12 tỉnh gồm: Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lâm Đồng và Bình Thuận.
Dự án này sẽ cấp điện cho tổng số 251.308 hộ dân nông thôn thuộc 6.162 thôn, bản, ấp và 2.594 trạm bơm. Quy mô xây dựng gồm 8.846 trạm biến áp; 3.230,4 km đường dây trung áp; 5.978 km đường dây hạ áp.
Đối với Dự án cấp điện cho huyện, xã đảo giai đoạn 2015 – 2020, theo Bộ Công Thương, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là chủ đầu tư dự án cấp điện cho khoảng 168 hộ dân và các đơn vị hành chính thuộc huyện đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) với mức đầu tư hơn 148 tỷ đồng. Tổng công ty Điện lực miền Nam là chủ đầu tư dự án cấp điện lưới quốc gia cho khoảng 3.838 hộ dân nông thôn tại 5 xã đảo thuộc 4 huyện, thị của tỉnh Kiên Giang với mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của các dự án là phát triển lưới điện trung, hạ áp cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào tại các thôn, bản, ấp chưa có điện; cấp điện cho các hộ dân chưa được cấp điện chính thức.
Các hộ dân được cấp công tơ và dây dẫn vào tận nhà , đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đảm bảo an ninh, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số dự án còn được thực hiện nhằm cung cấp điện cho các trạm bơm có quy mô vừa và nhỏ tại một số địa phương./.