(Nguồn: sputniknews.com) |
Hội nghị lần này có ý nghĩa trọng đại không chỉ bởi đánh dấu chặng đường 20 năm Nga và ASEAN khởi động và duy trì đối tác đối thoại, mà còn là cơ hội để vạch ra phương hướng hợp tác nhằm nâng tầm quan hệ cho tương xứng với tiềm năng và lợi ích của hai bên, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động.
Đối với 10 quốc gia ASEAN, có thể nói Cộng đồng ASEAN - được coi là biểu tượng của tình đoàn kết, hòa bình và phát triển - mới chính thức đi vào hoạt động được gần 6 tháng, đã góp phần nâng cao uy tín và sức ảnh hưởng của tổ chức khu vực này trên trường quốc tế. Đồng thời, những yếu tố về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, dân số... của Cộng đồng ASEAN cũng như từng quốc gia thành viên đã nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Với dân số khoảng 630 triệu người, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.570 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, ASEAN được thừa nhận là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển năng động của khu vực trong không gian toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Moskva đã nhiều lần khẳng định hợp tác với ASEAN sẽ giúp tăng cường vị thế của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Nga có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế liên quan tới hòa bình và an ninh toàn cầu. Đặc biệt, với vị trí địa lý và những mối quan hệ truyền thống, Nga có lợi ích chiến lược đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung cũng như Đông Nam Á nói riêng.
Do đó, việc Nga tăng cường quan hệ với Cộng đồng ASEAN cũng như giữ vai trò chủ động hơn trong các cơ chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ giúp tăng cường sự đóng góp của Moskva cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung, qua đó thể hiện được vai trò và vị thế của Nga tại khu vực quan trọng này.
Trên thực tế, hợp tác ASEAN-Nga đã được mở rộng kể từ khi Nga trở thành đối tác đối thoại của ASEAN năm 1996. Moskva đã phát triển quan hệ đối tác đối thoại với các nước ASEAN và ngày càng tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực, trong đó có đề xuất về một cấu trúc an ninh cho châu Á-Thái Bình Dương.
Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước ASEAN đã tăng gấp đôi và đạt con số kỷ lục 21,5 tỷ USD vào năm 2014. Nga và ASEAN cũng là những đối tác thương mại có thể bổ sung chặt chẽ cho nhau bởi Nga chủ yếu xuất khẩu nhiên liệu và năng lượng, máy móc công nghệ cao, thiết bị quân sự, các sản phẩm hóa chất, vốn là những mặt hàng nhập khẩu chính của các quốc gia ASEAN,… trong khi ASEAN có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng chế tạo mà Nga có nhu cầu cao.
Tuy nhiên, hợp tác giữa hai bên được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng nếu so sánh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, cả Nga lẫn ASEAN đều đang phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa lớn, cả truyền thống lẫn phi truyền thống, cả mang tính toàn cầu, khu vực lẫn từng quốc gia. Nguy cơ khủng bố, cực đoan ngày càng gia tăng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đe dọa mọi quốc gia trên thế giới.
Những mâu thuẫn và căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, tham vọng của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là tại Biển Đông, đang đe dọa ổn định và an ninh khu vực. Tình thế bị cô lập do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - xuống dốc không phanh đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga.
Trong khi đó, Cộng đồng ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn khi mà những khác biệt, chênh lệch giữa từng nước vẫn là rào cản cho quá trình hội nhập và xây dựng một ASEAN vững mạnh.
Những lợi ích đan xen trong một thế giới mà hợp tác và hội nhập đang chi phối chính sách của từng quốc gia ngày càng khiến Nga và ASEAN có nhu cầu xích lại gần nhau hơn cũng như nâng tầm quan hệ lên một cấp độ mới. Quan hệ hai bên đang có những biến chuyển tích cực theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Nga coi hợp tác chặt chẽ với ASEAN là một trong những phương hướng then chốt trong việc thực hiện đường lối của Tổng thống Nga về tăng cường vị thế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lãnh đạo các nước ASEAN cũng bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ với Nga bởi Moskva luôn là một đối tác quan trọng, có tiếng nói và ảnh hưởng to lớn trên trường quốc tế. Đó cũng là lý do để Nga chọn chủ đề "Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung" cho Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko tại thủ đô Moskva của Nga. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong quá trình thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Nga luôn coi Việt Nam là cầu nối quan trọng và hiệu quả để Moskva hội nhập khu vực Đông Nam Á, bởi giữa hai nước có mối quan hệ truyền thống đặc biệt, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Nga hy vọng bước phát triển liên tục và mạnh mẽ trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga sẽ là hình mẫu để Nga thúc đẩy quan hệ với toàn khối ASEAN.
Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN tại Sochi chắc chắn sẽ tạo nền tảng thuận lợi để hai bên nâng quan hệ đối tác đối thoại lên tầm chiến lược. Hai bên đang hướng tới một kỷ nguyên mới của một mối quan hệ gần gũi hơn, thực chất, hiệu quả và năng động hơn, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực./.