Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ở khối Chủ tịch nước, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử ở khối Quốc hội.
77 người tự ứng cử
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tại hội nghị cho thấy, tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 207 đại biểu. Song các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người.
Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn, sau khi làm việc với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm khối Trung ương là khối đại biểu chuyên trách để tăng đại biểu cho 2 thành phố lớn. Cụ thể, Hà Nội giới thiệu tăng một đại biểu ở Bệnh viện Bạch Mai và TP HCM giới thiệu thêm 1 người ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thông tin thêm về số lượng người tham gia ứng cử, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, cho hay tổng số người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đến nay là 1.084, đạt tỷ lệ 2,17 người trên một đại biểu được bầu. Ở địa phương, có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu, tỷ lệ bình quân 2,95 lần. Ngoài số ứng viên được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu nêu trên, đến nay 24 tỉnh, thành ghi nhận 77 người nộp hồ sơ tự ứng cử; trong đó Hà Nội 30 người và TPHCM 16 người. “Đây là con số tổng hợp tới ngày 17/3. Một số địa phương vẫn chưa gửi hết báo cáo về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo quy định, các địa phương sẽ phải tổ chức hiệp thương lần thứ 2 trước ngày 19/3”, ông Hầu A Lềnh nói.
Điều đặc biệt là trong danh sách gửi tới Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và thông tin giải đáp tại hội nghị cho thấy nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đương nhiệm được giới thiệu ứng cử ở các khối khác vị trí đang công tác. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở khối Chủ tịch nước; Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính ứng cử ở khối Chính phủ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ứng cử ở khối Quốc hội.
Nhiều thay đổi
Ở khối Chủ tịch nước, có 3 người ứng cử, gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải.
Trong khi đó, ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối Chính phủ có 15 người, trong đó có 9 gương mặt mới, gồm: Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Hồng Diên, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; còn lại là 6 người cũ, gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Hội nghị Hiệp thương công tác bầu cử lần thứ 2 do Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ thực hiện |
Tương tự ở khối Quốc hội, cũng xuất hiện nhiều nhân sự mới như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định… Ở khối MTTQ Việt Nam có sự xuất hiện của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Ở khối Kiểm toán Nhà nước, người ứng cử là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh. Riêng TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao, 2 người được giới thiệu vẫn là Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với MTTQ địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu. Do chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba, ông Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ở khối Đảng có 11 người, trong đó 7 Ủy viên Bộ Chính trị, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc và Chủ nhiệm UBKT T.Ư Trần Cẩm Tú. Có 3 Uỷ viên Ban Bí thư T.Ư Đảng và 1 Uỷ viên T.Ư Đảng tham gia ứng cử ở khối này là: Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Lê Minh Hưng; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Ban Bí thư T.Ư Đảng Bùi Thị Minh Hoài và ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.