Hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những điểm đáng chú ý trong “bức tranh” đăng ký doanh nghiệp (DN) 5 tháng năm 2024 là số lượng DN rút lui khỏi thị trrường đã có xu hướng “hạ nhiệt”. Dấu hiệu này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN đang có triển vọng lạc quan hơn dù bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến lạc quan

Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đã cao hơn số rút lui

Theo thông tin vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, trong 5 tháng, cả nước có 98.825 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2023 (83.109 DN).

“Số lượng DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 64.758 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, con số này đã vượt qua ngưỡng trung bình cùng kỳ 2 năm gần đây và là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 5 tháng năm 2024 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét. Số lượng DN quay trở lại hoạt động 5 tháng đầu năm 2024 đạt 34.067 DN, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2024, có 97.299 DN rút lui khỏi thị trường, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

“Như vậy, tình hình đăng ký DN 5 tháng năm 2024 nhìn chung có cải thiện so với cùng kỳ năm 2023 nhưng còn ở mức khiêm tốn và phản ánh những khó khăn trong môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến việc thích nghi của DN trong bối cảnh có nhiều căng thẳng chính trị và biến động thị trường như hiện nay”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội DN Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá: “Nhận định của cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh là khá chính xác, bởi nhìn vào tình hình hoạt động của các DN xi măng, tôi thấy rằng, so với cùng kỳ năm trước, dù còn khó khăn nhưng bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn. Xuất khẩu (XK) rục rịch tăng, tiêu thụ 5 tháng năm 2024 cũng đang tốt hơn”.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tăng so với những tháng sau Tết. Trong tháng 4/2024, lượng hàng tồn kho đã xuống thấp, thúc đẩy các đại lý, nhà phân phối thép Hòa Phát nhập thêm hàng phục vụ thị trường…

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cũng thông tin, XK 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tích cực. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 239 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng công nghiệp XK chủ lực tiếp tục phục hồi tốt. Cán cân thương mại 4 tháng thặng dư 9 tỷ USD...

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Mặc dù số DN rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng có dấu hiệu giảm, nhưng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hoạt động của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tế, tuy số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân/DN chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023 và chưa quay lại được mốc 12,2 tỷ đồng (trung bình cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2022); xu hướng thận trọng khi bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn kéo dài từ đầu năm 2024 tới nay.

Đại diện VNCA cho biết, tình hình tiêu thụ của các DN xi măng vẫn còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản chậm phục hồi… Bên cạnh đó, hoạt động XK sẽ tiếp tục gặp khó khi châu Âu bắt đầu triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với xi măng nhập khẩu.

Để tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, nắm bắt cơ hội thị trường, ông Nguyễn Quang Cung kiến nghị Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng. Ông Cung cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản gửi cấp thẩm quyền đề nghị xem xét lại thuế xuất khẩu clinker xi măng với thuế suất bằng 0%. Theo VNCA, clinker xi măng là sản phẩm của một ngành công nghệ hiện đại, không phải là đối tượng áp dụng khoản 23 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng (sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến theo quy định của Chính phủ). Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, xây dựng cầu cạn trên các cao tốc qua nền đất yếu…

Đề xuất giải pháp, cơ quan đăng ký kinh doanh cho rằng, song song với việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để đón đà phục hồi của ngành du lịch và thương mại toàn cầu theo hướng tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn, tiềm năng; khai thác tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy ký kết FTA với các thị trường mới; tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, chuyển đổi để đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa XK.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính vừa có đề xuất với Chính phủ tiếp tục giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí như năm 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2024…

Trước đó (ngày 20/5), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân và DN nhằm giảm gánh nặng chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư