Hoàn thiện quy định về lựa chọn nhà đầu tư PPP

(BĐT) - Ngày 29/9/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP (Thông tư 15) nhằm cụ thể hóa quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tư 15 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.

Việc ban hành Thông tư 15 được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương về tài liệu hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời đổi mới cách làm trong lựa chọn nhà đầu tư. Với Thông tư 15, việc đổi mới tư duy trong lựa chọn nhà đầu tư PPP được nhìn nhận qua những khía cạnh nào?

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Thông tư 15 quy định 2 Mẫu gồm mẫu hồ sơ mời sơ tuyển và hồ sơ mời thầu, trong đó đã mẫu hóa các quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP thành các mục, bảng biểu và hướng dẫn để bên mời thầu hoàn thiện và áp dụng cho từng dự án cụ thể. Đối với các dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu, bên mời thầu sẽ chỉnh sửa 2 mẫu nêu trên để sử dụng cho phù hợp.

Thứ hai, Thông tư 15 đã quy định chi tiết các tiêu chí đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư với cách tiếp cận mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính có thể liên danh với các nhà đầu tư/nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm về kỹ thuật để cùng thực hiện dự án. Trong đó, kinh nghiệm của nhà đầu tư được tính bằng tổng số dự án tương tự mà các thành viên liên danh đã thực hiện, không cần phải tương ứng với tỷ lệ vốn chủ sở hữu mà từng thành viên góp vào liên danh.

Thứ ba, thống nhất với cách tiếp cận “đầu ra” thay cho “đầu vào” của khung pháp lý mới về PPP, Thông tư 15 quy định rõ hồ sơ mời thầu phải nêu các tiêu chí đánh giá về chất lượng công trình, dịch vụ được cung cấp trong bước đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Đây là điểm khác biệt cơ bản với hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu. Với nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu không yêu cầu cứng về phương án kỹ thuật, công nghệ nhằm phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư.

Thứ tư, Thông tư 15 đã quy định trường hợp và cơ chế áp dụng 4 phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà đầu tư gồm: phương pháp giá dịch vụ, phương pháp vốn góp của Nhà nước, phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước và phương pháp kết hợp. Phương pháp kết hợp được thực hiện dựa trên điểm tổng hợp của các yếu tố được kết hợp gồm: (1) Kết hợp giữa phương pháp giá dịch vụ và vốn góp của Nhà nước; (2) Kết hợp giữa phương pháp giá dịch vụ và phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích của Nhà nước. Ngoài ra, đối với các dự án có tính chất đặc thù, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể phê duyệt phương pháp kết hợp khác trong hồ sơ mời thầu (phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và tài chính, phương pháp thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhất…) trên cơ sở bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Thứ năm, trên cơ sở các nội dung hợp đồng dự án PPP quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT, căn cứ quy mô, tính chất, lĩnh vực đặc thù của dự án, bên mời thầu phải dự thảo hợp đồng đính kèm hồ sơ mời thầu khi phát hành.

Cùng với các thông tư hướng dẫn về chuẩn bị dự án đầu tư PPP, Thông tư 15 hướng dẫn mẫu tài liệu trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục trang bị cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh công cụ để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư một cách hiệu quả và thuận lợi hơn.                

Chuyên đề

Kết nối đầu tư