Hoàn thiện quy định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi để thực hiện EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định giai đoạn từ nửa cuối năm 2020 đến hết ngày 31/12/2022.
Mức giảm thu từ thuế nhập khẩu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA dự kiến là 2.516,8 tỷ đồng trong cả lộ trình 15 năm. Ảnh: Lê Tiên
Mức giảm thu từ thuế nhập khẩu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA dự kiến là 2.516,8 tỷ đồng trong cả lộ trình 15 năm. Ảnh: Lê Tiên

Theo Dự thảo Nghị định, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trên cơ sở đó, mức giảm thu từ thuế nhập khẩu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA dự kiến là 2.516,8 tỷ đồng trong cả lộ trình 15 năm. Trong đó, mức giảm dự kiến của năm đầu tiên ngay khi Hiệp định có hiệu lực là khoảng 550 tỷ đồng, các năm tiếp theo đến cuối lộ trình dự kiến giảm khoảng 140,5 tỷ đồng/năm.

Về tác động của Hiệp định với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính nhận định, hiệp định này mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới…

Trong khi đó, một số ngành hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh hơn như: ô tô, dược phẩm, chăn nuôi... Ngoài ra, các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm.   

Chuyên đề