Hoàn hiện quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án xã hội hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông qua chủ trương xã hội hóa (XHH), nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân đã được huy động vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... Việc tăng cường đấu thầu rộng rãi sẽ giúp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực tư nhân, chọn nhà đầu tư có năng lực tốt và góp phần làm tăng tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động XHH.
Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa. Ảnh: Lê Tiên

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong năm 2020, đã có 14 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 5.911 tỷ đồng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH. Trong đó, tại Huế có 5 dự án, Quảng Nam 3 dự án, TP.HCM 3 dự án, Đồng Nai 1 dự án, Cà Mau 1 dự án, Hà Nội 1 dự án.

Các dự án XHH có từ 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên ngày càng nhiều, tuy nhiên, các địa phương đang lúng túng trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Theo nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đắk Nông, Hưng Yên, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng phản ánh, các dự án khuyến khích XHH theo quy định tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về thủ tục đấu thầu với dự án XHH như dự án thủy điện, rác thải, môi trường…, chưa có quy định về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khuyến khích XHH.

Hiện nay, các dự án XHH được thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định 59/2014/NĐ-CP quy định về XHH trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thể thao, văn hoá, môi trường, giám định tư pháp. Hai nghị định này chủ yếu quy định về ưu đãi trong thuê đất, thuê cơ sở vật chất, các loại thuế và lệ phí, hỗ trợ về mặt bằng và tiếp cận tín dụng có chi phí vốn thấp với mục tiêu thúc đẩy việc hình thành các cơ sở mới, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ của cả khu vực công và khu vực tư. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư trong các lĩnh vực XHH chưa được hướng dẫn cụ thể tại các nghị định này.

Nghị định 59/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực XHH thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, trên thực tế, trường hợp dự án XHH không thực hiện theo quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên một khu đất có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, chưa có thủ tục lựa chọn.

Để hoạt động thu hút đầu tư tư nhân theo chủ trương XHH được minh bạch, hiệu quả, Nghị định 25/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH, quy định nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án này. Đồng thời, Điều 16 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định, danh mục dự án XHH phải được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án. Trường hợp có một nhà đầu tư quan tâm, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH. Trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, việc tổ chức đấu thầu áp dụng quy trình đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 25 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, XHH theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành các quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH chưa được bộ chuyên ngành quan tâm thực hiện. Ngày 26/5/2020, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị các bộ quản lý ngành, trong phạm vi quản lý của mình, ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH. Đến nay, các bộ quản lý ngành chưa thực hiện nội dung này, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do phải có văn bản hỏi trực tiếp các bộ chuyên ngành. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH chưa làm rõ tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư có phương án ưu việt hơn trên cơ sở yêu cầu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực, dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi nhận được đề xuất thực hiện dự án cùng mục tiêu, trên cùng một khu đất của 2 nhà đầu tư trở lên. Ví dụ, nhiều trường hợp có hơn 2 nhà đầu tư quan tâm như dự án điện LNG, cảng tổng hợp, các dự án bệnh viện, xử lý rác thải ở địa phương cần tổ chức đấu thầu nhưng thiếu cơ sở pháp lý. Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong một số lĩnh vực XHH.

Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa. Trong đó, Bộ Công Thương hướng dẫn các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...), thủy điện nhỏ; phát triển và quản lý chợ và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I/2022. Bộ GTVT hướng dẫn các dự án xây dựng, kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I/2022. Bộ Xây dựng đối với các dự án cung cấp nước sạch đô thị và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I/2022. Bộ Tài chính hướng dẫn các dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I/2022. Bộ NN&PTNT đối với các dự án sản xuất nước sạch nông thôn và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý II/2022. Bộ KH&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; hoàn thành trong quý II/2022.

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý trong thời gian các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa ban hành quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật XHH, Thông tư 09 đã được ban hành quy định việc công bố danh mục dự án phải tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (thời gian, nội dung đăng tải), đồng thời hướng dẫn xây dựng nội dung danh mục dự án, hồ sơ đấu thầu trên cơ sở chỉnh sửa mẫu hồ sơ quy định tại Phụ lục VI và VII ban hành kèm theo Thông tư 09.

Chuyên đề