Hỗ trợ nâng cao chất lượng mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chương trình đào tạo quốc tế với chủ đề: “Nâng cao năng lực cho Mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam” vừa được khai giảng ngày 24/9, tại Hà Nội.
Khóa đào tạo nâng cao năng lực cho Mạng lưới chuyển gia chuyển đổi số tại Việt Nam tổ chức từ ngày 24 - 27/9/2024, tại Hà Nội
Khóa đào tạo nâng cao năng lực cho Mạng lưới chuyển gia chuyển đổi số tại Việt Nam tổ chức từ ngày 24 - 27/9/2024, tại Hà Nội

Khóa đào tạo diễn ra 4 ngày (từ 24 - 27/9/2024) được thiết kế đặc biệt bởi Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - chủ dự án tổ chức.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Giám đốc USAID IPSC nhấn mạnh tại lễ khai giảng, chương trình đào tạo thể hiện nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng phát triển mạng lưới chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng tư vấn CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Thông qua đó, Chương trình giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này nắm bắt kịp xu thế thế giới.

Những chủ đề được tập trung đào tạo đều là những vấn đề “nóng” trong xu hướng CĐS trên thị trường quốc tế như: CĐS hướng tới hiệu suất tối ưu; CĐS trong lâm nghiệp và nông nghiệp; chiến lược kinh doanh số; quản trị thay đổi trong kỷ nguyên số. Khóa học được thiết kế phối hợp giữa lý thuyết nền tảng, thông tin cập nhật và thực hành thực tiễn. Các tư vấn sẽ được thăm doanh nghiệp, thực hành tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp và nhận được đánh giá nhận xét từ các giảng viên.

Ngoài ra, sau khóa đào tạo, các giảng viên sẽ tổ chức buổi đánh giá, lựa chọn ra 10 chuyên gia xuất sắc nhất để tiếp tục đào tạo chuyên sâu trong vòng 40 giờ và được tư vấn cho 20 DNNVV nhận hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đội ngũ giảng viên 100% nước ngoài, giàu kinh nghiệm và uy tín sẽ trang bị cho tư vấn viên những kỹ năng, kiến thức bài bản, chi tiết nhất cho phép các tư vấn viên cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt năm 2021 với mục tiêu đến năm 2025 có: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số. Dự án hướng tới mục tiêu loại bỏ các rào cản về chính sách và thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.

Chuyên đề