Các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp được miễn phí môn bài trong 3 năm. Ảnh: Huyền Trang |
Theo Dự thảo Nghị định, những e ngại về thủ tục hành chính phức tạp, chi phí tăng khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN sẽ được loại bỏ thông qua các chính sách khuyến khích cụ thể.
Giảm thiểu tối đa thủ tục và chi phí
Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo quy định của Luật, các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ khi chuyển thành DN, góp phần đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.
Cụ thể hóa hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành DN, ông Lê Văn Khương, Phó Trưởng phòng Phòng Hỗ trợ DNNVV thuộc Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết, tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết các nội dung, hồ sơ và quy trình cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi thành DN. Hướng dẫn chi tiết này nhằm tạo ra cơ chế hỗ trợ minh bạch, rõ ràng và giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính để tạo động lực cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi.
Cụ thể, các hộ kinh doanh khi chuyển đổi sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN. Điều 13, Dự thảo Nghị định quy định, các DN được thành lập từ hộ kinh doanh được tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục đăng ký DN; hồ sơ đăng ký chuyển đổi; quy trình, thủ tục, hồ sơ đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để được tư vấn, chủ hộ kinh doanh cần nộp hồ sơ (giấy đăng ký của hộ, giấy chứng nhận mã số thuế, chứng từ nộp thuế môn bài và các khoản nộp ngân sách, tờ khai thuế trong thời hạn 1 năm chuyển đổi) tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan này có trách nhiệm tư vấn trong thời hạn 3 ngày làm việc.
Tiếp đó, DNNVV được thành lập từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh và phí cung cấp thông tin lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Đồng thời, các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành DN được miễn phí môn bài trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu khi nộp hồ sơ theo quy định. Cùng với đó là được hỗ trợ tư vấn miễn phí về các thủ tục hành chính, thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu. UBND cấp tỉnh giao cho đơn vị đầu mối thuộc tỉnh để hỗ trợ DNNVV được thành lập từ hộ kinh doanh về các thủ tục hành chính và kế toán.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Không chỉ được hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN, đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định cũng cho biết, các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN cũng được hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ chung dành cho đối tượng DNNVV.
Về phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV được thành lập từ hộ kinh doanh, đại diện cơ quan soạn thảo Nghị định cho biết, khối DN này sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ khi tham gia các khóa đào tạo.
Theo Dự thảo Luật, các DNNVV sẽ được hỗ trợ khi tham gia các khóa đào tạo khởi sự DN và quản trị DN. Cụ thể là ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí tổ chức một khóa đào tạo và hỗ trợ học phí đối với học viên trên địa bàn đặc biệt khó khăn và học viên từ các DNNVV do nữ làm chủ.
Đối với đào tạo nghề, Dự thảo quy định các DNNVV được giảm 50% chi phí đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp thuộc danh mục nghề trọng điểm quốc gia, nhưng không quá 20 triệu đồng/khóa và không quá 1 khóa/năm.
Đối với đào tạo trực tiếp tại DNNVV, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh chủ động xây dựng các chương trình phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV qua mạng Internet và truyền hình nhằm đa dạng hóa hình thức đào tạo, qua đó mở rộng đối tượng tiếp cận đào tạo.