Hỗ trợ DN để nâng cao thương hiệu quốc gia

(BĐT) - Theo xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia mới nhất của 100 quốc gia trên thế giới do Công ty Brand Finance thực hiện, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam giảm 19%, từ 172 tỷ USD năm 2014 xuống 140 tỷ USD năm 2015.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Còn khoảng cách với các nước

Ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương Công ty Brand Finance cho biết, trong Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia năm 2015, thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tiến từ thứ hạng 43 (năm 2014) lên thứ hạng 49 (năm 2015). Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trước Campuchia. Thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2015 được định giá là 140 tỷ USD, giảm 19% so với 172 tỷ USD của năm 2014.

Nếu so với các quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN, Việt Nam có khoảng cách khá xa. Indonesia dẫn đầu với giá trị thương hiệu là 564 tỷ USD (gấp 4 lần Việt Nam), tiếp đó là Singapore với 412 tỷ USD (gấp 3 lần), Malaysia với 407 tỷ USD (gấp 3 lần), Thái Lan với 347 tỷ USD (gấp 2,5 lần) và Philippines là 267 tỷ USD (gấp gần 2 lần).

Nếu xét riêng 4 tiêu chí là đầu tư, hàng hóa và dịch vụ, nhân lực và kỹ năng, du lịch, trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015, Việt Nam chỉ đứng trước Campuchia và Brunei. Trong khi đó, Singapore là quốc gia liên tục đứng đầu về 4 tiêu chí này và tăng dần qua các năm.

Từ kết quả xếp hạng thương hiệu quốc gia nêu trên, ông Samir Dixit thẳng thắn nhìn nhận, sức mạnh thương hiệu quốc gia của Việt Nam nhìn chung chưa cao. Các yếu tố như chất lượng và vòng đời sản phẩm, mức độ thỏa mãn khách hàng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sử dụng lao động, xuất nhập khẩu… đều còn rất yếu. 

Thế mạnh vẫn ở dạng… tiềm năng

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, sự cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, do đó, Việt Nam cần phải có một chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia bền vững. Theo ông Thierry Novelle – chuyên gia quốc tế về thương hiệu quốc gia, thương hiệu quốc gia phải được xây dựng từ thương hiệu của ngành, của doanh nghiệp. Muốn đánh giá thương hiệu quốc gia mạnh hay không phải dựa trên các tiêu chí là chất lượng - đổi mới, sáng tạo - lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, các thương hiệu quốc gia của Việt Nam xét trên cả các tiêu chí này vẫn còn yếu.

Theo ông Samir Dixit, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng như gạo, cà phê, ca cao, thủy sản… Mặc dù còn ít ỏi, nhưng những thương hiệu quốc gia của Việt Nam được thế giới ghi nhận có thể kể đến là Cà phê Trung Nguyên, Marou (ca cao)… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới ở dạng thô, mà chưa chú trọng chế biến tinh. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự chú trọng việc quảng bá thương hiệu.

“Một thương hiệu quốc gia mạnh là thương hiệu ấy phải luôn biết tôn trọng khách hàng, cam kết chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, tuy nhiên thực tế cho thấy, một số thương hiệu quốc gia của Việt Nam lại chưa đáp ứng được các tiêu chí này”, ông Samir Dixit nhận xét và dẫn chứng trường hợp của Vietnam Airlines. Hãng hàng không này được xem là một trong những thương hiệu quốc gia mạnh của Việt Nam, tuy nhiên với tư cách là một hành khách, ông Samir Dixit thẳng thắn chê website của Vietnam Airlines là “dở nhất”, bởi hành khách không thể chọn được chỗ ngồi và bữa ăn theo sở thích trên website của hãng hàng không này.

Khuyến nghị về việc làm thế nào để nâng cao thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Samir Dixit cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển thương hiệu quốc gia đáp ứng các tiêu chí như: chất lượng và vòng đời sản phẩm, mức độ thỏa mãn khách hàng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sử dụng lao động, xuất nhập khẩu… Thương hiệu quốc gia có cả thương hiệu hữu hình và thương hiệu vô hình, có thể đo đếm được. Chẳng hạn như tiêu chí đo lường sức mạnh thương hiệu quốc gia là sản phẩm hàng hóa đó phải xuất khẩu được sang ít nhất 3 quốc gia trong khu vực.      

Chuyên đề