Hộ kinh doanh hoạt động thuận lợi khi được định danh

(BĐT) - Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày làm việc thứ 2 (ngày 21/5) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất đưa hộ kinh doanh (HKD) vào Luật như đề xuất của Chính phủ; thống nhất bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu... 
Quy định một chương về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thực chất là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định hiện hành về hộ kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Quy định một chương về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thực chất là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định hiện hành về hộ kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, những đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

Khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có 2 loại ý kiến: một là nhất trí đưa nội dung quy định về HKD vào Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; hai là không quy định nội dung về HKD mà xem xét, ban hành một luật riêng về HKD.

Về nội dung này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung HKD vào đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật DN lần này là cần thiết. Lý do là, quy định về HKD tại Dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Hơn nữa, Luật DN các năm 1999, 2005, 2014 đã có điều khoản quy định về HKD và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về HKD trong Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về HKD. “Quy định HKD trong Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của HKD”, ông Bình nhấn mạnh.

Không đồng tình với ý kiến cần xây dựng một luật về HKD, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, nếu thực hiện phương án này sẽ khác với thông lệ quốc tế, rất khó cho HKD hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập vì chúng ta sẽ là nước duy nhất trên thế giới có luật về HKD. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự đã xóa bỏ tư cách chủ thể của HKD. “Nếu không đưa HKD vào Luật này thì Chính phủ không thể hướng dẫn về đăng ký HKD do trái với Bộ luật Dân sự. Nếu chờ đợi HKD được xác lập vị trí pháp lý trong bộ luật riêng ít nhất phải 2 - 3 năm”, ông Lộc nói và lo lắng, trong thời gian 2 - 3 năm nữa thì hàng triệu HKD không có cơ sở pháp lý để bảo vệ.

Làm rõ thêm vấn đề này, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: việc đưa HKD vào Luật DN có lợi cho DN, không có hại gì cho HKD nhằm khẳng định việc định danh cho loại hình HKD; bãi bỏ rào cản đang vướng mắc và đang cản trở hoạt động của HKD… Theo Bộ trưởng, nếu tháo bỏ được việc này thì HKD sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, giải phóng nhiều nguồn lực hơn và sẽ đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn. 

Thống nhất bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu

Liên quan đến vấn đề thông báo mẫu dấu và con dấu của DN (Điều 43 Dự thảo Luật), ý kiến của nhiều đại biểu thống nhất với phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi đó chỉ là thủ tục hành chính, không phải là thủ tục xin phép sử dụng con dấu. Việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu là giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước; góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng xếp hạng về môi trường kinh doanh của quốc gia.

Tán thành đề xuất của Chính phủ, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhấn mạnh, bãi bỏ thủ tục này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho DN, tạo sự chủ động và điều kiện cho DN đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Tuy nhiên, đại biểu Thưởng cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng nhiều cá nhân lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.

Chuyên đề