Hình thành cụm liên kết ngành, tăng sức chống chịu trước “cú sốc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo khó khăn và bất định hơn. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo (ảnh: ĐBND)
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo (ảnh: ĐBND)

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh quan điểm này tại Hội thảo "Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam” tổ chức ngày 6/9, tại Hà Nội.

Theo TS. Đặng Đức Anh, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Một trong những nội dung quan trọng của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Lãnh đạo CIEM cho hay, thực tiễn giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều cụm liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...

Tuy vậy, quá trình này vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả. Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu... vẫn còn nhiều hạn chế, ít hình thành được các ngành nghề mới, sản phẩm mới, do đó chưa đóng góp đáng kể vào cơ cấu lại các ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển. Các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh. Tính kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của ngành kinh tế còn nhiều hạn chế khi mà các ngành còn phụ thuộc vào bên ngoài cả về vốn, công nghệ và thị trường; cũng như chưa coi trọng chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư nước ngoài, dự án có vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi...

Vì thế, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Báo cáo nghiên cứu công bố tại sự kiện cũng đề cập rõ về thực trạng cơ cấu lại một số ngành kinh tế của nước ta như: Ngành nông nghiệp; ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ; ngành công nghiệp…

Chuyên đề