Hiệu quả sử dụng vốn nhà nước nhìn từ Lọc dầu Nghi Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sức nóng của thị trường năng lượng, nhất là xăng dầu tiếp tục leo thang. Trong khi đó, ở trong nước, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy có phần vốn đầu tư của Nhà nước bộc lộ nhiều yếu kém, có nguy cơ ảnh hưởng tới đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước. Những yếu kém này bắt nguồn từ đâu và tháo gỡ như thế nào?
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lỗ luỹ kế 3,3 tỷ USD (hơn 76.000 tỷ đồng) từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Lê Hoàng
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lỗ luỹ kế 3,3 tỷ USD (hơn 76.000 tỷ đồng) từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Lê Hoàng

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có 25% vốn đầu tư của Nhà nước thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - là đơn vị đảm bảo cung cấp 1/3 nhu cầu nội địa các sản phẩm xăng dầu hàng năm. Những bất ổn của Nhà máy sau khoảng 3 năm vận hành thương mại đã dần bộc lộ. Đỉnh điểm là cuối tháng 1/2022, Nhà máy đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc cắt giảm công suất dẫn đến giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng. Nguyên nhân của tình trạng này được Công ty lý giải là do hiệu quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy chưa đạt như mong đợi.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, 3 năm sau vận hành thương mại, tình hình sản xuất kinh doanh của Nhà máy không khả quan. Nhà máy lỗ luỹ kế 3,3 tỷ USD (hơn 76.000 tỷ đồng với tỷ giá 23.178 VND/USD) từ năm 2018 đến nay và khoản nợ nguyên liệu lên tới 2,8 tỷ USD (gần 65.000 tỷ đồng). Với khoản lỗ luỹ kế và nợ nguyên liệu lớn như vậy, không dễ để nhà máy này duy trì hoạt động bình thường.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) yêu cầu PVN đàm phán sớm với các nhà đầu tư nước ngoài tại Nhà máy để ổn định hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không chịu sức ép bằng mọi cách để Nhà máy hoạt động trong tình trạng kinh doanh đến đâu là lỗ đến đó như hiện nay. Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, nếu việc kinh doanh của Nhà máy tiếp tục lỗ thì chắc chắn Ủy ban sẽ không cho DN hoạt động.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là một trong những trường hợp điển hình của việc đầu tư vốn nhà nước vào DN chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đề cập về nguyên nhân Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lỗ nặng thời gian qua, nhiều phân tích chỉ ra, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì công tác quản trị, nhân sự của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) còn nhiều bất cập.

Tại cuộc làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đây, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN yêu cầu NSRP cấp thiết tái cấu trúc tổng thể, trước hết là để cải thiện công tác quản lý, quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động, giảm thiểu chi phí sản xuất, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Một chuyên gia cho rằng, các DN, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả quản trị. Một nguyên nhân lớn dẫn đến hiệu quả công tác quản trị ở các DNNN hoặc DN có phần vốn góp của Nhà nước chưa tốt là còn tình trạng không rõ ràng về trách nhiệm của các bên trong quản trị DN. Các bên ở đây bao gồm: Nhà nước, cơ quan quản lý vốn, người đại diện trực tiếp tại DN, người điều hành DN… Trong số đó có Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Khi không có trách nhiệm rõ ràng thì các bên sẽ không nỗ lực hết mình cho hoạt động của DN, giúp DN hoạt động hiệu quả.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đáp ứng yêu cầu mới, nhiều chính sách đã được ban hành với quan điểm chung là không lấy tiền nhà nước để cứu DN, dự án yếu kém. Hiện Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” đang được gấp rút hoàn thiện, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản trị, điều chỉnh phương thức quản trị DN, cạnh tranh theo cơ chế thị trường…

Chuyên đề