Hiểu đúng về yêu cầu dịch vụ sau bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu nhận được một số kiến nghị của nhà thầu liên quan đến hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu mua sắm hàng hóa đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có trung tâm bảo hành, văn phòng đại diện tại địa bàn triển khai gói thầu. Một số nhà thầu cho rằng đây là tiêu chí mang tính định hướng, tạo lợi thế cho số ít nhà thầu, gây ra cạnh tranh không lành mạnh. Kiến nghị này có cơ sở hay không?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Yêu cầu phổ biến về dịch vụ sau bán hàng

Theo tìm hiểu, hiện nay, trong mẫu HSMT các gói thầu mua sắm hàng hóa, chào hàng cạnh tranh đều đề cập đến nội dung về bảo dưỡng, bảo trì, bảo hành, sửa chữa, thay thế... thiết bị. Phổ biến nhất là yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở chính hoặc chi nhánh, hoặc trung tâm bảo hành, hoặc văn phòng đại diện tại khu vực thuận lợi nhất cho chủ đầu tư (CĐT). Nhiều CĐT/bên mời thầu (BMT) yêu cầu các đơn vị trên phải đóng tại địa bàn triển khai gói thầu. Về thời gian thực hiện dịch vụ sau trúng thầu, có BMT yêu cầu nhà thầu phải xử lý sự cố liên quan đến hàng hóa trong vòng 24 giờ, có CĐT lại bắt buộc nhà thầu phải cung cấp dịch vụ sau bán hàng trong vòng 3 giờ...

Theo các chuyên gia về đấu thầu cũng như các nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ hàng hóa, đây là những yêu cầu phù hợp, cần thiết đối với CĐT để bảo đảm nhà thầu trúng thầu đáp ứng tốt nhất dịch vụ sau bán hàng. “Để công việc của CĐT, hoặc đơn vị sử dụng hàng hóa luôn thông suốt, chất lượng, nhà thầu bắt buộc phải đề cao trách nhiệm sau khi cung cấp hàng hóa về thời gian, tiến độ dịch vụ sau bán hàng. Đây cũng là mục tiêu của cả quá trình lựa chọn nhà thầu kỹ càng trước đó của chính CĐT”, một CĐT cho biết.

Khoản 4, mẫu số 03 (webform trên hệ thống), Chương IV, Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa qua mạng một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, yêu cầu: “Nhà thầu phải có đại lý hoặc đại diện có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác theo các yêu cầu như sau: ghi yêu cầu cụ thể về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác của đại lý hoặc đại diện, ví dụ như thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sai sót... kể từ khi nhận được yêu cầu của CĐT”.

Đây là căn cứ để các CĐT đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có đại lý hoặc văn phòng đại diện hoặc chi nhánh có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác.

Nhà thầu xoay xở thế nào?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu khẳng định, tùy thuộc CĐT cụ thể hóa các tiêu chí trên như thế nào mà nhà thầu dự tính khả năng đáp ứng được hay không. “Hiện nay, nhà thầu có mối liên hệ với hãng sản xuất, đơn vị phân phối của hãng, các đối tác rất mật thiết và không khó khăn để chứng minh dịch vụ sau bán hàng. Về cơ bản, các CĐT hoàn toàn chấp nhận tài liệu chứng minh như hợp đồng nguyên tắc giữa nhà thầu và đơn vị có trách nhiệm chăm sóc sau bán hàng”, một CĐT chia sẻ.

“Nhà thầu khi dự thầu tại địa phương khác mà tại khu vực đó không có văn phòng đại diện, không có trung tâm bảo hành, thông thường sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với một đơn vị chuyên nghiệp tại địa bàn để cung cấp dịch vụ này thay mình. Như vậy, sau bán hàng, việc thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác của đơn vị trúng thầu sẽ rất chủ động, thuận lợi cả cho CĐT, nhà thầu lẫn đơn vị sử dụng”, một nhà thầu tại Tiền Giang chia sẻ.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, nếu HSMT yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc trung tâm bảo hành chính thức tại khu vực triển khai gói thầu mà không cho nhà thầu làm rõ, chứng minh bằng các hợp đồng nguyên tắc là khá cứng nhắc, dẫn tới kiến nghị trong đấu thầu.

Còn với những CĐT/BMT không cho phép nhà thầu làm rõ, không cho phép nhà thầu chứng minh bằng hợp đồng nguyên tắc để thể hiện khả năng thực hiện nghĩa vụ này thì đã tạo rào cản với nhà thầu, không tuân thủ quy định về đấu thầu.

Chuyên đề