Quy hoạch điện VIII sẽ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững, từ đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Bùi Văn Thịnh |
EVN chủ động triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN
Để thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ được giao.
Theo đó, EVN đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm như: Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhiệt điện Quảng Trạch I…, hoàn thành theo đúng tiến độ trong Kế hoạch đã phê duyệt. Cùng với đó, Tập đoàn khởi công mới các dự án như: Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái và chuẩn bị khởi công các dự án khác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Chúng tôi cũng tích cực xây dựng Đề án Chiến lược chuyển dịch năng lượng của EVN. Đến nay, tư vấn đang hoàn thiện Đề án.
Hiện nay, EVN và các đơn vị thành viên đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2024 nhằm cung ứng điện cho miền Bắc. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện, nhất là ở các địa phương có nhu cầu lớn, tốc độ tăng trưởng cao.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công Thương giao EVN triển khai các thủ tục đầu tư các dự án tích điện lưu trữ tại khu vực miền Bắc; kiến nghị Thủ tướng sớm có cơ chế giao EVN và các doanh nghiệp làm chủ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm trong Kế hoạch.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương ban hành quyết định kiểm soát tiến độ các dự án nguồn và lưới điện; có chế tài xử lý và thu hồi những dự án điện chậm tiến độ.
Kiến nghị các địa phương hỗ trợ EVN trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án lưới điện để EVN có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Tập đoàn cũng hy vọng các địa phương quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho EVN để các đơn vị đầu tư lưới điện phục vụ cho sự phát triển của địa phương.
Cơ hội lớn cho nhà đầu tư tham gia phát triển dự án điện
Ông Ngô Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, tôi thấy rằng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là căn cứ quan trọng để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án điện nằm trong Quy hoạch, Kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, đảm bảo điện đi trước một bước với mấy lý do.
Trước hết, trong Kế hoạch đã rõ ràng danh mục dự án, công suất, tiến độ và phương án đấu nối để nhà đầu tư thực hiện.
Thứ hai, Kế hoạch nêu rõ một số giải pháp về cơ chế chính sách trong giai đoạn tới của Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể định hướng, lên kế hoạch để triển khai thực hiện.
Thứ ba, theo Kế hoạch, nhu cầu vốn đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng đến năm 2030 là rất lớn. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Để đảm bảo nguồn cung cấp điện cho phát triển kinh tế, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư. Với những chính sách đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt như vậy, tôi tin rằng Quy hoạch điện VIII đang và sẽ được triển khai thuận lợi, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chính sách cần có sự “liền mạch” trong thúc đẩy đầu tư
Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group
Quy hoạch điện VIII cũng như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được ban hành đã mở ra không gian phát triển cho ngành năng lượng của Việt Nam theo hướng bền vững. Theo Quy hoạch, Kế hoạch thì cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ ngày càng tăng lên.
Để đạt được mục tiêu đề ra, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh là rất quan trọng. Lý do là, hiện nay đang có “khoảng trống” chính sách trong thu hút đầu tư, phát triển các dự án điện xanh, trong đó có điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi…
Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngay khi Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện được ban hành, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Nhìn vào diễn biến này, ở góc độ là một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (Vũ Phong tham gia trọn vẹn trong chuỗi giá trị, từ nhà đầu tư, đơn vị thi công và thậm chí là nhà sản xuất, R&D các thiết bị phụ trợ - PV), chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tốt đối với việc thực hiện các mục tiêu xanh hóa năng lượng.
Theo tôi, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đầu tư vào năng lượng xanh sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, chính sách cần có sự “liền mạch”, bởi đây là điều kiện quan trọng để ngành năng lượng Việt Nam chuyển dịch theo hướng xanh, hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII cũng như cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Nhiều dư địa cho phát triển năng lượng tái tạo
Ông Hoàng Mạnh Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG)
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP như Chính phủ đã đề ra thì nhu cầu về điện cần tăng 12 - 13%/năm. Theo đó, dư địa cho việc phát triển các dự án điện, đặc biệt là điện tái tạo rất lớn. Các giải pháp tạo nguồn vốn trong lĩnh vực năng lượng đã được Chính phủ định hướng khuyến khích, trong đó có việc thu hút đa dạng, có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng điện; tăng cường kêu gọi, thực hiện có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh; đa dạng hóa hình thức đầu tư (Nhà nước, tư nhân, đối tác công tư...) đối với các dự án điện…
Với TEG, năng lượng là một trong hai lĩnh vực hoạt động chính yếu của chúng tôi. Năm 2023, Công ty CP Năng lượng Trường Thành (công ty con) đã thực hiện thoái một phần vốn đầu tư tại Dự án Điện mặt trời Hòa Hội để tái cấu trúc tài chính, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, Năng lượng Trường Thành tham gia hỗ trợ Công ty mẹ trong việc hợp tác với đối tác Nhật Bản triển khai dự án điện khí 1.500 MW tại Thái Bình, đồng thời tập trung khảo sát thông số kỹ thuật, hiệu quả một số dự án điện gió và tiếp tục trao đổi với các đối tác, nhà thầu tiềm năng cho các dự án này.
Năm 2024, TEG đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 70,8% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 88 tỷ đồng. Để đạt được kế hoạch này, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó với lĩnh vực năng lượng, TEG sẽ tập trung nguồn lực để tham gia đầu tư, nắm cổ phần tại các dự án năng lượng tái tạo mới với mục tiêu tỷ lệ sở hữu trên 30%. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn và kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án. Công ty cũng sẽ tham gia giám sát vận hành và tái cấu trúc tài chính tại Công ty CP Điện gió Trường Thành Trà Vinh (Chủ đầu tư dự án điện gió 48 MW đang vận hành) để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kỳ vọng thực hiện hiệu quả các dự án trong Quy hoạch điện VIII
Ông Bùi Minh Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TKV
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt mang đến niềm vui cho nhiều chủ thể. Theo đó, tôi kỳ vọng tất cả các dự án nguồn điện, lưới điện trong Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đều bám sát lộ trình đặt ra nhằm bảo đảm điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Quy hoạch điện VIII, đầu tháng 4/2024, Dự án Nhiệt điện Na Dương II đã được Tổng công ty Điện lực TKV khởi công xây dựng tại tỉnh Lạng Sơn. Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II có quy mô công suất nhỏ, nhưng với tình hình cung cấp điện hiện nay, chúng tôi hy vọng Dự án sẽ đáp ứng phần nào cho lưới điện miền Bắc, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Bộ. Chủ đầu tư cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, cố gắng đưa Dự án “về đích” đúng hẹn.
Sẵn sàng nhân lực, vật lực cho các dự án năng lượng
Ông Lê Bảo Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1)
Trong 45 năm qua, CC1 được biết đến là một trong những nhà thầu, nhà đầu tư xây lắp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, dân dụng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, với sự chú trọng vào phân khúc công trình năng lượng, CC1 đã thành công trong việc triển khai nhiều dự án năng lượng trọng điểm quốc gia, tạo ấn tượng trên khắp cả nước. Các công trình này đã đóng góp vào lưới điện quốc gia trên 22 tỷ kWh/năm. Chúng tôi tham gia thực hiện tất cả các dự án trong lĩnh vực năng lượng như: thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió với các dự án điện điển hình như: Nhà máy Thủy điện Trị An (Đồng Nai, công suất 400 MW); Nhà máy Thủy điện Thác Mơ (Bình Phước, công suất 150 MW); Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Quảng Bình, tổng công suất 1.200 MW); Điện gió Khai Long (Cà Mau)…
Gần đây nhất, chúng tôi liên danh với Công ty TNHH DR.AZ (thuộc Tập đoàn DR.AZ) khởi công Gói thầu EPC - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II tại Lạng Sơn. Đây là dự án trong Quy hoạch điện VII và được chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII.
Để đảm bảo thực hiện Gói thầu đúng tiến độ, chất lượng theo hợp đồng ký kết, chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng từ nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm cao cho đến tài chính cùng hệ thống máy móc, thiết bị liên quan để tổ chức thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Dự án.
Với năng lực và kinh nghiệm của CC1, chúng tôi mong muốn tham gia thực hiện các dự án năng lượng nằm trong Quy hoạch điện VIII, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng. Qua đó, CC1 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp nơi có dự án nói riêng và cả nước nói chung.
Chờ cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng sạch
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong
Quy hoạch điện VIII đã định hướng phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới một cách bài bản, có tầm nhìn đến năm 2050, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch điện VIII sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, việc triển khai Quy hoạch điện VIII cũng giúp tháo gỡ khó khăn cho một số dự án điện bị vướng mắc về cơ chế, sẽ được tiếp tục triển khai và hoàn thành trong thời gian tới.
Từ góc độ nhà thầu, tôi mong muốn việc triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ giúp đẩy nhanh các dự án truyền tải điện, chống quá tải, nâng cao khả năng truyền tải để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng ở mức cao nhất. Trên cơ sở triển khai Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng sẽ tạo cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bảo đảm cân bằng cung - cầu điện cho phát triển đất nước.
SP Group (Singapore) đang nhìn thấy cơ hội rất lớn
Ông Trần Quốc Hải, Giám đốc giải pháp năng lượng bền vững, SP Group Việt Nam
SP Group (Singapore) đang nhìn thấy cơ hội rất lớn để đầu tư vào ngành năng lượng ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây chính là lý do vì sao SP Group đã cam kết đầu tư 1GW từ nay đến năm 2025 ở lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Về phạm vi đầu tư, trước đây, chúng tôi chỉ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời, nhưng nay SP Group mở rộng đầu tư sang những dự án điện gió.
Tuy nhiên, mục tiêu 1GW đang gặp trở ngại, hiện mới đạt được 25% mà nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý. Cùng với đó là một số cơ chế chính sách liên quan cũng chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. SP Group là tập đoàn năng lượng đa quốc gia nên có những yêu cầu rất chặt chẽ, kỹ lưỡng về việc tuân thủ quy định đầu tư của Chính phủ Singapore cũng như quy định tại quốc gia thực hiện đầu tư kinh doanh. Điều này khiến việc triển khai đầu tư các dự án của SP Group ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian.
Chúng tôi mong rằng, cấp thẩm quyền cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp như: hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục pháp lý… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.