Hiện thực hóa các dự án tầm cỡ để “cất cánh”

(BĐT) - Diện mạo của tỉnh Lào Cai đang dần thay da đổi thịt khi những dự án lớn như Cáp treo Phanxipang, Khách sạn 5 sao Aristo… được đưa vào vận hành. Với khát vọng và quyết tâm phát triển toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế hiện thực hóa hàng chục dự án trọng điểm trong nhiều lĩnh vực.
Nhiều dự án lớn được đưa vào hoạt động góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của Lào Cai. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án lớn được đưa vào hoạt động góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của Lào Cai. Ảnh: Lê Tiên

Sau thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai được tổ chức vào tháng 7/2019, có rất nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến các dự án đang được tỉnh Lào Cai kêu gọi đầu tư. Ngay tại Hội nghị, tỉnh Lào Cai đã "chọn mặt gửi vàng" ký kết thỏa thuận hợp tác, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong nước để triển khai các dự án quy mô hàng trăm, hàng chục nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Thật đáng mừng cho tỉnh Lào Cai bởi những nhà đầu tư chiến lược mà địa phương gửi gắm niềm tin, truyền cảm hứng và khát vọng thay đổi diện mạo nền kinh tế của tỉnh nhà là những nhà đầu tư uy tín, đã có nhiều công trình quy mô lớn đóng góp cho sự phát triển của đất nước như: Sun Group, FLC, Bitexco, Geleximco, Alphanam, T&T, TH, TNG…

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn cùng sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, Tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu chung mà Tỉnh hướng tới đến năm 2025 là xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế; trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu; trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất; phát triển nông nghiệp đặc hữu; duy trì và phát huy được các nét đẹp của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc…

Chính vì vậy, trong định hướng thu hút đầu tư, ngoài chú trọng thu hút các dự án lớn gắn với lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương, Tỉnh còn quan tâm kêu gọi đầu tư và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để hiện thực hóa nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực khác nhau.

Về phát triển đô thị, Lào Cai đang kêu gọi đầu tư vào hàng chục dự án khu đô thị lớn như: Khu đô thị Kim Thành (quy mô 90 ha gồm đất ở biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp, dịch vụ tiện ích với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng); Tiểu khu đô thị số 22 phường Xuân Tăng, TP. Lào Cai (quy mô khoảng 250 ha); Khu đô thị Sa Pa 2… Việc xây dựng và hoàn thiện những khu đô thị này sẽ làm nên diện mạo các khu dân cư có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hiện đại với công trình nhà ở thương mại theo quy hoạch; góp phần khai thác tốt quỹ đất hiện có, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn.

Mục tiêu chung đến năm 2025 là xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế; trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu; trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất; phát triển nông nghiệp đặc hữu...
Tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, ở độ cao lý tưởng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa. Dự án này có diện tích 200 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng, bao gồm trung tâm điều hành, khu nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thông tin công nghệ, đào tạo, đầu tư sản xuất, giới thiệu sản phẩm gắn với du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Lào Cai cũng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào Dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Hà với tổng diện tích 100 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Lào Cai cũng kêu gọi các nhà đầu tư có tâm huyết với ngành nông nghiệp đầu tư vào Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây rau, hoa với tổng mức đầu tư khoảng 720 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 700 ha tại các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát và TP. Lào Cai. Các dự án nông nghiệp này sẽ sản xuất các loại rau trái vụ, rau bản địa vùng cao như: súp lơ, su hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột, ớt ngọt, su su, bò khai, ngót rừng…

Với lợi thế thổ nhưỡng đa dạng, độ cao chênh lệch với mặt nước biển lớn, Lào Cai cũng đang kêu gọi đầu tư vào Dự án Phát triển sản xuất, chế biến dược liệu với diện tích 1.200 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng để sản xuất các loại dược liệu quý như atiso, xuyên khung, tam thất, sa nhân tím, đương quy, thạch hộc tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương.

Xác định du lịch là điểm mạnh và lợi thế trọng tâm của địa phương, thời gian tới, Tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này như: Công viên văn hóa Sa Pa (tổ hợp công viên vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời với các trò chơi mạo hiểm; khu vui chơi trẻ em, vườn ẩm thực; vườn hoa ôn đới kết hợp các công trình nghỉ dưỡng với quy mô sử dụng đất khoảng 70 ha); Khu du lịch Y Tý (đầu tư các tiểu dự án, công trình du lịch tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai thác tiềm năng du lịch tại Y Tý); Khu vui chơi giải trí thể thao Bắc Cường (quy mô 110 ha); Khu vui chơi giải trí thể thao Xuân Tăng (quy mô khoảng 80 ha)...

Tận dụng lợi thế địa hình tự nhiên của một số địa phương, tỉnh Lào Cai cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án như: Dự án Đầu tư khai thác đỉnh núi Ba mẹ con (thị trấn Bắc Hà); Dự án Đầu tư khai thác hang rồng Tả Van Chư; Dự án Xây dựng khách sạn dịch vụ cao cấp Đồi lương thực (thị trấn Bắc Hà); Dự án Phát triển du lịch khám phá đỉnh núi Nhìu Cồ San, Ky Quan San (huyện Bát Xát); Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi cao nguyên Phìn Hồ; Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Đầu Nhuần (huyện Bảo Thắng)…

Để phát triển khu kinh tế cửa khẩu, thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung kêu gọi đầu tư và có cơ chế ưu đãi đầu tư đối với Dự án Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng trong các khu sản xuất gia công chế biến; Dự án Sản xuất gia công chế biến hàng hóa xuất nhập khẩu; Dự án Đầu tư hạ tầng bãi kiểm hóa KB2 - Khu cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành; Dự án Khu dịch vụ tại Khu cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành.

Bên cạnh đó, xác định giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, là tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu và khu vực. Để đưa Lào Cai trở thành một đầu mối logistics quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế, Tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư vào Dự án Đầu tư hạ tầng và kho bãi xuất nhập khẩu Kim Thành, Bản Vược; Dự án Khu logistics Cốc San; Dự án Khu logistics Đồng Tuyển; Khu logistics phía Đông xã Lu…

“Đường đi ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên”, với những dự án tầm cỡ của những nhà đầu tư tên tuổi đã và đang được triển khai, Lào Cai đã có những hạt giống đầu tiên, những bước đi vững chắc khẳng định chủ trương, định hướng đúng đắn. Việc sớm hiện thực hóa các dự án mà Tỉnh đang kêu gọi đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo những động lực phát triển mới, giúp kinh tế Lào Cai “cất cánh”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư