Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Tuấn Dũng |
Trong đó, 6 nhóm giải pháp mà người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đề xuất tại Hội nghị cần được ưu tiên thực hiện.
Nhiều thành tựu nhưng cũng không ít thách thức
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian qua, với tinh thần hợp tác đầu tư và cùng phát triển, Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững; thu ngân sách tăng trưởng tốt; các nhà đầu tư, DN kinh doanh thành công và đầu tư vào Thành phố với số vốn rất ấn tượng, đạt khoảng 439,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2016. Hà Nội cũng đã nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc; chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc; chỉ số ICT Index xếp thứ 2 cả nước.
Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Hà Nội cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo các chuyên gia, Hà Nội đang đối mặt với áp lực gia tăng dân số; quá tải nhiều dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch, giao thông công cộng. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi đã trở nên nghiêm trọng; thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng khung như giao thông; cấp, thoát nước; điện; viễn thông...
6 giải pháp “hút” vốn đầu tư vào Hà Nội
Thứ nhất, các quy hoạch phát triển của Thành phố cần được rà soát, hoàn thiện theo hướng tiên tiến, hiện đại với một tư duy mới, một tầm nhìn dài hạn, để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đồng thời xử lý được những thách thức hiện nay mà Hà Nội đang phải đối mặt như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự đô thị, an toàn xã hội... Việc quản lý quy hoạch cần thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.
Thứ hai, cần di dời nhanh một số cơ sở của Nhà nước ra khỏi khu vực trung tâm nhằm làm giảm áp lực quá tải về hạ tầng trong khu vực trung tâm; tạo không gian phát triển thương mại, dịch vụ; tạo cơ hội để phát triển một số đô thị vệ tinh, mở rộng không gian Thành phố; sử dụng hiệu quả quỹ đất của Thành phố ở các khu vực vùng ven, còn chưa phát triển...
Thứ ba, định hướng và triển khai nhanh việc phát triển Hà Nội trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường cạnh tranh, thể chế vượt trội nhằm phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tận dụng lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo kênh thu hút nguồn tài chính quốc tế cho đầu tư phát triển của Hà Nội và cả nước.
Thứ tư, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả và thân thiện với DN; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN; tiếp tục rút ngắn thời gian khởi sự DN; cải thiện khả năng tiếp cận đất đai đối với các DN; tận dụng làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài hiện nay để chủ động điều chỉnh chiến lược và định hướng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề cạnh tranh...
Thứ năm, xây dựng cơ chế, giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm như giao thông đô thị, giao thông kết nối giữa khu vực trung tâm với khu vực xung quanh, các công trình cấp thoát nước, xử lý rác thải...
Cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực; trong đó, đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô.