Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn yếu và thiếu về máy móc, thiết bị. Ảnh: Tiên Giang |
Năng suất chưa cao
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, trong những năm gần đây, mức tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Trong số 500 DN thuộc Hiệp hội có một số DN là nhà thầu lớn như: Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA, Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình…
Dù vậy, ông Cận cho rằng, trên thực tế, năng suất của ngành xây dựng vẫn rất thấp, chỉ bằng 85% năng suất của các đơn vị trong ngành sản xuất; tốc độ phát triển chậm, khoảng 10%, trong khi tốc độ phát triển của các DN khác bình quân khoảng 16%. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này được ông Cận chỉ ra là do DN xây dựng vẫn yếu và thiếu về máy móc, thiết bị. “Bên cạnh việc khó đủ khả năng sở hữu những thiết bị lớn thì nhiều DN xây dựng vẫn thiếu những thiết bị nhỏ, thiết bị cầm tay phục vụ cho người công nhân trong việc nâng cao năng suất lao động”, ông Cận nói.
Ông Phạm Hải Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV UMAC Việt Nam, một nhà thầu có năng lực khá tốt trong việc cung cấp máy móc thiết bị, thẳng thắn nhận xét, các nhà thầu Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu máy móc, thiết bị… Ông Hưng chia sẻ, thực tế cũng có DN Việt Nam có khả năng cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ các ngành xây dựng, giao thông, công nghệ mỏ rất tốt. Tuy nhiên, các DN này chưa thực sự chú tâm trong việc xây dựng và bảo vệ chữ “tín” của DN. Chính vì thế có nhiều DN chưa tạo được niềm tin cho chủ đầu tư, bên mời thầu.
Giải pháp nào?
Dù ủng hộ quan điểm phải nâng cao nâng suất bằng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông qua việc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, ông Nguyễn Bình, Chánh Văn phòng Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam kiến nghị, DN trong nước cần tích cực nâng cao trình độ, đổi mới sáng tạo để sản xuất những thiết bị mới, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu. Những vấn đề về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các ngành này cũng cần được quan tâm đúng mức.
Để Việt Nam “nhập công nghệ, không nhập rác”, ông Bình lưu ý, khi mua sắm các sản phẩm công nghệ, DN cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về đấu thầu để có thể lựa chọn được những nhà cung cấp có uy tín, sản phẩm có chất lượng.
Trong khi đó, nhấn mạnh đến việc xây dựng và bảo vệ chữ tín trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ông Phạm Hải Hưng cho rằng, các DN cung cấp máy móc, thiết bị cần đặc biệt chú ý đến chữ tín trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. “Theo hướng này, DN định hướng kinh doanh một cách chuyên nghiệp, cung cấp những sản phẩm chất lượng cao chắc chắn sẽ có vị trí trên thị trường”, ông Hưng khẳng định.