Hết cơ hội cho nhà thầu làm ăn “chộp giật”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vấn nạn hàng hóa cung cấp sau khi trúng thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không bảo đảm chất lượng đang rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Một nội dung mới tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu được kỳ vọng khắc chế hiệu quả vấn nạn này.
Dự án Hệ thống lọc nước uống cho gần 300 trường học và trạm y tế được UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư trên 100 tỷ đồng sử dụng kém hiệu quả, nhanh chóng hư hỏng. Ảnh minh họa: Minh Hải
Dự án Hệ thống lọc nước uống cho gần 300 trường học và trạm y tế được UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư trên 100 tỷ đồng sử dụng kém hiệu quả, nhanh chóng hư hỏng. Ảnh minh họa: Minh Hải

Vấn nạn hàng kém chất lượng sau đấu thầu

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp vừa thông báo kết luận về việc mua sắm tài sản công trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020 do Trung tâm Dịch vụ tài chính (thuộc Sở Tài chính) làm Bên mời thầu, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Theo đó, thực tế quá trình sử dụng máy tính, máy in thường xuyên bị các lỗi về kết nối, kẹt giấy, không thể nạp mực thông dụng mà phải sử dụng loại mực chuyên dùng với giá cao, khan hiếm. Trách nhiệm thực hiện hợp đồng sau trúng thầu cũng không được nhà thầu tuân thủ. Cụ thể, không thực hiện bảo trì định kỳ 3 tháng/lần, bảo hành thiết bị, sản phẩm hỏng thường kéo dài.

“Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên tại các đơn vị sử dụng, thiết bị bị hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả chiếm 27,2% tổng số thiết bị đã kiểm tra...”, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Trong khi đó, tại Đắk Nông, Thanh tra Tỉnh chỉ rõ, các gói thầu mua sắm trang thiết bị trường học từ năm 2018 đến 2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông mời thầu xảy ra nhiều sai phạm gây thiệt hại hơn 2,1 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra của địa phương này khẳng định, nhiều gói thầu mua sắm thiết bị có chênh lệch giá, không đúng nguồn gốc và có dấu hiệu thông thầu. Thanh tra phát hiện nhà thầu không ghi nhãn mác, model 5/451 loại hàng hóa, 10 loại hàng hóa đề xuất mua có xuất xứ Việt Nam, Malaysia nhưng thực tế là hàng Trung Quốc.

Tại TP.HCM, loạt gói thầu mua sắm tập trung máy vi tính để bàn được tổ chức đấu thầu giai đoạn 2017 - 2019 đã bị nhiều đơn vị sử dụng phản ánh về chất lượng của hàng hóa, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.

Tại Bạc Liêu, Dự án Hệ thống lọc nước uống cho gần 300 trường học và trạm y tế được UBND Tỉnh đầu tư trên 100 tỷ đồng khi đưa vào vận hành đã bộc lộ nhiều bất cập, có nơi cả năm không sử dụng được, nhiều thiết bị thuộc hệ thống sử dụng kém hiệu quả, nhanh chóng hư hỏng, không được nhà thầu bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ…

Vấn nạn trên phần lớn chỉ bị phanh phui khi cơ quan thanh tra vào cuộc. “Trách nhiệm đánh giá uy tín hàng hóa, quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu dường như bị nhiều chủ đầu tư coi nhẹ”, một nhà thầu chia sẻ.

Công cụ sàng lọc hàng kém chất lượng

Trong lĩnh vực thiết bị điện, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian qua đã liên tục ban hành văn bản khuyến cáo về việc phòng ngừa các loại vật tư giả, không rõ nguồn gốc xâm nhập thông qua đấu thầu. Đây là đơn vị đầu tiên trên cả nước xây dựng bộ tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua việc cung cấp hàng hóa, thực hiện hợp đồng.

Để tăng chế tài đối với các nhà thầu cung cấp hàng hóa kém chất lượng, một nội dung mới đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đó là đánh giá uy tín của nhà thầu, đánh giá chất lượng hàng hóa và công khai thông tin thực hiện hợp đồng. Theo đó, sẽ xây dựng dữ liệu thông tin về tình trạng pháp lý của nhà thầu; vi phạm của nhà thầu, về năng lực, uy tín của nhà thầu (thông qua việc thực hiện hợp đồng), trong đó có thông tin về chất lượng hàng hóa đã qua sử dụng. Đây là cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng nhà thầu, hàng hóa trong thực hiện hợp đồng.

Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy trình đánh giá, xếp hạng nhà thầu, chất lượng hàng hóa cũng như trách nhiệm đánh giá, xếp hạng sẽ được nêu rõ. Các thông tin này sẽ được công khai và quy định rõ trách nhiệm công khai, trước hết dự kiến áp dụng trong lĩnh vực thuốc, thiết bị y tế. Cụ thể, đối với thuốc, trách nhiệm đánh giá thuộc về hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện. Đối với thiết bị y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm, trách nhiệm đánh giá thuộc về hội đồng khoa học của bệnh viện. Chủ đầu tư cập nhật kết quả đánh giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đối với các hàng hóa khác, chủ đầu tư có trách nhiệm đánh giá khi hoàn tất hợp đồng.

Nhiều hiệp hội ngành hàng đánh giá cao nội dung mới này, khẳng định đây là công cụ sàng lọc hữu hiệu để loại bỏ hàng kém chất lượng. Đặc biệt, “lưới lọc” uy tín sẽ giúp nhà thầu/nhà sản xuất tốt khẳng định uy tín của mình. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu.

Chuyên đề