Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cập nhật, bổ sung chức năng mới đáp ứng quy định của Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT: Đấu thầu hiệu quả, minh bạch, tiện lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định tại Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT (Thông tư 22) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 01/01/2025, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) tiếp tục thực hiện cập nhật và triển khai 6 hạng mục tính năng mới. Những đổi mới này kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, tạo thêm nhiều thuận lợi cho các bên tham gia. Đồng thời chính thức hoàn thành số hóa toàn bộ phân hệ trên Hệ thống theo chuẩn quốc tế.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cập nhật, bổ sung chức năng mới đáp ứng quy định của Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT: Đấu thầu hiệu quả, minh bạch, tiện lợi

Những cập nhật, bổ sung chức năng mới trên Hệ thống bao gồm:

Thứ nhất, chuẩn hóa biểu mẫu đấu thầu

Để đảm bảo tính đồng bộ và thuận tiện, toàn bộ các mẫu hồ sơ đấu thầu cho các lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn và tư vấn đã được chuẩn hóa theo quy định tại Thông tư 22. Với các mẫu này không chỉ giảm thiểu sai sót thường gặp, mà còn cung cấp hướng dẫn chi tiết cho các bên tham gia đấu thầu, đặc biệt là các doanh nghiệp lần đầu tham gia. Quá trình chuẩn hóa này còn hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, thẩm định và đối chiếu hồ sơ dự thầu một cách dễ dàng, đồng thời góp phần nâng cao sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.

Người dùng cần lưu ý, các biểu mẫu đấu thầu mới sẽ được áp dụng đối với các gói thầu đăng tải E-TBMT từ ngày 01/01/2025, trường hợp gói thầu đã đăng tải E-TBMT trước thời điểm này, người dùng sử dụng các biểu mẫu cũ theo quy định tại Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024.

Thứ hai, số hoá toàn bộ quy trình đấu thầu gói thầu hỗn hợp (EPC, PC, EC, EP)

Tính tới ngày 01/01/2025, Hệ thống đã hoàn tất triển khai hầu hết các quy trình đấu thầu qua mạng. Theo đó, toàn bộ quy trình từ phê duyệt E-HSMT, lập E-HSMT, tổ chức lựa chọn nhà thầu, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đều được thực hiện trên Hệ thống với gói thầu lĩnh vực hỗn hợp, không giới hạn quy mô gói thầu. Các tính năng này giúp tối ưu hóa việc quản lý các gói thầu phức tạp, vốn đòi hỏi sự kết hợp của nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm, đảm bảo tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý.

Thứ ba, bổ sung luồng chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường

Căn cứ Thông tư 22, luồng chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường chính thức được triển khai áp dụng trên Hệ thống với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả của hoạt động đấu thầu. Như vậy, sau khi hoàn tất đánh giá kỹ thuật, các nhà thầu có thêm 1 cơ hội “bỏ giá” cho gói thầu trước khi bước vào vòng đánh giá tài chính, từ đó cho phép nhà thầu điều chỉnh giá cạnh tranh, phù hợp hơn.

Thứ tư, triển khai gói thầu mượn thiết bị y tế - tháo gỡ vướng mắc tồn đọng trong lĩnh vực y tế

Là một trong những điểm nóng của ngành y tế, chiếm tỷ trọng cao trong nhu cầu đấu thầu, hoàn tất số hóa quy trình gói thầu mượn thiết bị y tế là mối quan tâm hàng đầu của Hệ thống. Từ 01/01/2025, chủ đầu tư đã có thể thực hiện đấu thầu mượn thiết bị y tế trực tuyến với bộ mẫu hồ sơ đấu thầu được tối ưu hóa và công cụ tính giá tự động, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, gia tăng hiệu quả đấu thầu, giúp các cơ sở y tế lựa chọn được thiết bị có chất lượng và chi phí hợp lý nhất, cũng là giúp người bệnh được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật với máy móc hiện đại và chi phí phù hợp.

Ngoài các quy trình đấu thầu mới được số hoá, Hệ thống cũng đồng thời đưa vào vận hành hai phân hệ chức năng hoàn toàn mới nhằm không ngừng nâng cao trải nghiệm của người dùng bao gồm:

Phân hệ Mua sắm trực tuyến - mua sắm nhanh chóng, dễ dàng

Mua sắm trực tuyến là một trong những điểm nổi bật của Hệ thống. Với Mua sắm trực tuyến, nhà thầu có thể đăng ký sản phẩm với các mặt hàng nằm trong các kết quả lựa chọn nhà thầu đã công khai, Chủ đầu tư/Bên mời thầu chỉ với một số thao tác đơn giản như tra cứu sản phẩm, bỏ vào giỏ hàng, xác nhận đơn hàng đã có thể hoàn tất quy trình mua sắm. Trong giai đoạn đầu, phân hệ mua sắm trực tuyến sẽ cho phép thực hiện mua sắm với gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng và sẽ có kế hoạch mở rộng phạm vi trong tương lai.

Với danh mục hàng hoá đã được chuẩn hoá, các công cụ quản lý đơn hàng và phân tích báo cáo chi tiết, quy trình thực hiện đơn giản, phân hệ mua sắm trực tuyến sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả mua sắm cho người dùng.

Để tham gia bán hàng hóa, nhà thầu cần lưu ý thực hiện đăng ký sản phẩm trên phân hệ mua sắm trực tuyến. Các sản phẩm có thể đăng ký phải đồng thời nằm trong danh mục trúng thầu của nhà thầu trong phạm vi gói thầu mua sắm tập trung và đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (Trường hợp không ký thỏa thuận khung và không quá 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực) hoặc đang trong thời gian có hiệu lực của thỏa thuận khung.

Triển khai phân hệ Hợp đồng điện tử - Quản lý tập trung, dễ dàng

Phân hệ hợp đồng điện tử mới đưa vào vận hành sẽ cho phép toàn bộ quy trình từ soạn thảo, ký kết đến quản lý hợp đồng được thực hiện trực tuyến, giúp quản lý tập trung, thuận tiện ngay trên Hệ thống, giảm thiểu những rủi ro thiếu/mất chứng từ như phương thức truyền thống. Đồng thời, Hệ thống còn tích hợp tính năng nhắc nhở và theo dõi tiến độ, giúp các bên tham gia kiểm soát tốt hơn việc thực hiện hợp đồng.

Việc triển khai hợp đồng điện tử đánh dấu một cột mốc quan trọng, khẳng định Hệ thống đang từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn đấu thầu tiên tiến của thế giới, đồng thời thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong quản lý và thực hiện hợp đồng.

Hệ thống được xây dựng và phát triển nhằm hiện đại hóa và số hóa toàn diện các hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Việc triển khai các tính năng mới thể hiện nỗ lực không ngừng của Hệ thống trong việc đồng hành cùng các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo dựng một môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và chịu trách nhiệm giải trình.

Chuyên đề