Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia 1 năm nhiều đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 16/9/2023 đánh dấu 1 năm vận hành chính thức Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới (Hệ thống e-GP mới) tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn/. Theo đánh giá, với nhiều điểm thay đổi, đột phá, Hệ thống e-GP đáp ứng yêu cầu đối với mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu, đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Hệ thống e-GP mới chạy được trên đa trình duyệt, tạo thuận lợi cho quá trình tham dự thầu. Ảnh: Lê Tiên
Hệ thống e-GP mới chạy được trên đa trình duyệt, tạo thuận lợi cho quá trình tham dự thầu. Ảnh: Lê Tiên

Từ nay tới năm 2025 khi tất cả các gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, Hệ thống e-GP mới cần phải hoàn thiện nhiều tính năng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch tối đa trong hoạt động đấu thầu.

Hiệu quả và vướng mắc từ thực tiễn sử dụng

Theo thống kê, tính từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/8/2023 đã có 230.988 kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 137.989 thông báo mời thầu được đăng tải thành công trên Hệ thống e-GP mới. Trong số này, nhiều ngày có số lượng gói thầu thực hiện đóng/mở thầu khá lớn như ngày 28/7/2023 có 3.493 gói thầu, ngày 21/8/2023 là 2.260 gói thầu…

Nhiều gói thầu lớn đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thành công như: Gói thầu số 14 Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và thi công xây dựng đoạn từ Km0+000 đến Km16+000 của Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (giá gói thầu 2.872 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp mời thầu vào tháng 5/2023; Gói thầu XL9 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Bình Chánh (từ Km69+978 đến Km78+100) thuộc Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (giá gói thầu 2.029 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TP.HCM) mời thầu vào tháng 6/2023…

Theo đánh giá của người dùng, Hệ thống e-GP có nhiều đổi mới, cải tiến, tiện ích so với hệ thống cũ, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong việc thực hiện và quản lý xuyên suốt trong quá trình đấu thầu, góp phần tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu, đồng thời phục vụ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.

Ông Hoàng Ngọc Long, Giám đốc Công ty TNHH DTAH chia sẻ, so với hệ thống cũ, Hệ thống e-GP mới chạy được trên đa trình duyệt, là một trong những ưu điểm vượt bậc, tạo thuận lợi cho quá trình tham dự thầu. Nhiều tính năng, thao tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng…

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, Hệ thống vẫn đang nỗ lực hoàn thiện để tạo thuận lợi nhất cho người dùng. Đơn cử, cùng một thời điểm Hệ thống chỉ cho phép 1 tài khoản người dùng với 1 máy tính được đăng nhập; trong khi đôi lúc việc nhập hồ sơ mời thầu (HSMT) cần 2 - 3 người cùng thao tác để quá trình nhập thông tin nhanh, thuận lợi hơn. Theo phản ánh của nhà thầu, đối với việc hủy thầu, Hệ thống không cho phép đơn vị tư vấn (làm đại diện bên mời thầu) được chủ đầu tư phân quyền trước đây tiếp tục tổ chức lựa chọn lại nhà thầu cho gói thầu, chủ đầu tư phải công khai lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu rồi mới phân quyền cho đơn vị tư vấn để làm đại diện bên mời thầu, lập và đăng lại HSMT… dẫn đến việc cùng 1 gói thầu nhưng có nhiều kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gây lãng phí tài nguyên lưu trữ. Tuy nhiên, phía đơn vị vận hành Hệ thống cho biết, trong trường hợp như trên, nhà thầu cần liên hệ với đơn vị vận hành Hệ thống để được kiểm tra lại, bởi thực tế, Hệ thống cho phép sau khi hủy thầu, đơn vị được phân công vẫn có thể tiếp tục tổ chức lựa chọn lại nhà thầu (trừ khi chủ đầu tư hủy phân công).

Ông Lê Diên Nam, Phó Giám đốc phụ trách đấu thầu Hệ thống kết nối xây dựng Dự Án Việt Nam (thuộc Công ty CP Đầu tư Việt Trí Tín) đánh giá, Hệ thống e-GP mới có tính bảo mật cao, tính năng phân công vai trò của các bên liên quan cụ thể, có các trường thông tin kiểm soát giúp hạn chế phần việc sai sót, vi phạm của các bên khi mời thầu hoặc dự thầu. Tất nhiên, do mới vận hành, Hệ thống khó tránh phát sinh một số lỗi kỹ thuật như chưa thông suốt trong quá trình mở thầu, quá trình đăng tải tài liệu của nhà thầu, các vấn đề phát sinh dẫn đến phải gia hạn thời điểm đóng/mở thầu theo quy định của pháp luật. Việc liên kết cơ sở dữ liệu còn chậm và đôi khi chưa chính xác do chưa cập nhật liên tục.

Ý kiến từ nhà thầu đề nghị, cần xử lý về mặt kỹ thuật để tránh bất tiện trong quá trình sử dụng như sau khi hết hạn làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu vẫn nộp được tài liệu làm rõ. Hệ thống cần khống chế không cho phép bên mời thầu yêu cầu làm rõ mà không đủ thời gian tối thiểu, nhà thầu cũng không được làm rõ nếu hết hạn làm rõ. Đồng thời, cho phép thêm tài khoản của bên mời thầu được sử dụng trong quá trình đánh giá HSDT thay vì chỉ dùng tài khoản nghiệp vụ chuyên gia để thuận tiện trong quá trình đánh giá.

Do Hệ thống được sửa đổi, cập nhật tính năng liên tục nên nhiều ý kiến cũng đề nghị, bên cạnh việc thông báo trên trang chủ, các diễn biến này cần được thông tin trên các kênh thông tin khác cho tất cả người dùng biết vì việc cập nhật liên tục dẫn đến tình trạng ngày trước và ngày sau khác thông tin nhau, bất tiện cho các đơn vị có liên quan, có thể không bảo đảm trách nhiệm giải trình với cơ quan thanh, kiểm tra sau này…

Trong 1 năm qua, Hệ thống e-GP mới đã vận hành trơn tru nhiều tính năng. Ảnh: Lê Tiên

Trong 1 năm qua, Hệ thống e-GP mới đã vận hành trơn tru nhiều tính năng. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn tất chuyển đổi các quy trình đấu thầu qua mạng

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES - doanh nghiệp dự án) cho biết, trong 1 năm qua, Hệ thống e-GP mới đã vận hành trơn tru nhiều tính năng so với hệ thống cũ như: sử dụng chứng thư số công cộng thay cho chứng thư số chuyên dùng; thông tin về tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia cũng như thông tin hồ sơ năng lực của nhà thầu/nhà đầu tư được cập nhật kịp thời, xác minh trên cơ sở kết nối và liên thông với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống liên quan khác; mở rộng phạm vi hỗ trợ trong đấu thầu qua mạng đối với gói thầu nhiều phần/lô lĩnh vực hàng hoá, sơ tuyển, đấu thầu hạn chế, chào lại giá cùng hàng loạt tính năng/tiện ích như: thực hiện thỏa thuận liên danh điện tử, phê duyệt HSMT qua mạng, hỗ trợ tổ chuyên gia/tổ thẩm định thực hiện nghiệp vụ trên Hệ thống, kiến nghị qua mạng.

Hệ thống e-GP còn có nhiều điểm đổi mới giúp tối ưu hóa hoạt động đấu thầu như giảm thiểu kê khai năng lực thiếu trung thực, quản lý danh mục sản phẩm, mua sắm trực tuyến, bảo lãnh dự thầu điện tử.

Hệ thống e-GP cũng kết nối hoặc sẵn sàng kết nối với Hệ thống của các tổ chức bên ngoài như Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng, hệ thống của các ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty xếp hạng tín dụng...

Tháng 7/2023, Hệ thống chính thức triển khai tính năng lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn tất chuyển đổi các quy trình đấu thầu từ Hệ thống e-GP cũ sang Hệ thống e-GP mới, giúp thống nhất việc quản lý đấu thầu trên một nền tảng duy nhất, tăng tính cạnh tranh, hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Bên cạnh các tính năng đã có, Hệ thống e-GP mới đã bổ sung thêm các tính năng, tiện ích để tối ưu hóa thông tin và tiếp cận thông tin về đấu thầu. Cụ thể, bổ sung tính năng chia sẻ năng lực, kinh nghiệm thành viên liên danh, giúp nhà thầu liên danh dễ dàng, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ năng lực thay vì phải đợi nhà thầu chính tải file năng lực như trước đây. Đồng thời, Hệ thống e-GP mới cũng thực hiện số hoá webform tại một số chương, mục như Biểu mẫu ELI-2: Bảng thông tin của nhà thầu liên danh/đặc biệt, Chương VIII Điều kiện cụ thể của hợp đồng… giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện thủ công bên ngoài Hệ thống.

Hiện nay, Hệ thống đã có bước đột phá về việc tra cứu thông tin đấu thầu. Một trong những chức năng không ngừng được cải tiến trên cổng thông tin điện tử của Hệ thống là chức năng tìm kiếm với mục tiêu tối ưu hoá tiêu chí tìm kiếm, giúp người sử dụng có thể tìm kiếm được chính xác kết quả mong muốn trong thời gian ngắn với thao tác đơn giản nhất, từ đó người sử dụng có nhiều thông tin tham khảo hơn để đưa ra các quyết định phù hợp. Với cải tiến mới này, người sử dụng có thể tìm kiếm hàng hoá theo tên hàng hoá, mã HS; tìm kiếm gói thầu thuốc theo tên hoạt chất, tên dược liệu, tên khoa học, tên vị thuốc cổ truyền xuất hiện trong kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thiện Hệ thống đáp ứng yêu cầu Luật Đấu thầu 2023

Luật Đấu thầu 2023 sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, trong đó, đấu thầu qua mạng được chú ý với nội dung áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu từ năm 2025.

Về việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, Điều 50 Luật Đấu thầu 2023 quy định, đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình: từ ngày 1/1/2023 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ; từ ngày 1/1/2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023.

Khi đó, văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có giá trị theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.

Để đáp ứng yêu cầu nêu trên, Điều 51 Luật Đấu thầu 2023 đưa ra các yêu cầu cụ thể mà Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần đáp ứng. Trong đó, phải công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận đối với thông tin được đăng tải công khai. Hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn thông tin, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu. Thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch. Bảo đảm nhà thầu, nhà đầu tư không thể gửi hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu. Các thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư được kết nối, chia sẻ từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quản lý thuế, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách, kho bạc và các hệ thống khác.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được kết nối với các cổng thông tin điện tử, hệ thống công nghệ thông tin khác để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ đấu thầu qua mạng và quản lý nhà nước về đấu thầu.

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo các văn bản pháp lý (nghị định, thông tư) hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền theo đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm thi hành Luật từ ngày 1/1/2024 được hiệu quả. Một trong những giải pháp được Bộ đặc biệt nhấn mạnh là tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bổ sung, hoàn thiện tính năng, tiện ích của Hệ thống e-GP bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, an ninh mạng, thuận tiện, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của công tác đấu thầu qua mạng thời gian tới.

Chuyên đề