Hệ thống e-GP mới đang được kiểm tra thử nghiệm với nhiều tính năng và cải tiến so với Hệ thống hiện tại, gồm 11 phân hệ thành phần giúp tối ưu hóa hoạt động mua sắm công. Ảnh: Thảo Nhi |
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES) cho biết: “Hệ thống e-GP được xây dựng nhằm mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”
Chia sẻ về những điểm thay đổi mang tính đột phá của Hệ thống e-GP, theo đại diện Doanh nghiệp dự án, Hệ thống được thiết kế, xây dựng bao gồm nhiều tính năng mới, cải tiến so với Hệ thống hiện tại. Hệ thống mới bao gồm 11 phân hệ thành phần: Ðấu thầu điện tử (e-Bidding); Cổng thông tin điện tử (Portal); Quản lý người dùng (User Management); Hỗ trợ người dùng (Call Center); Mua sắm điện tử (e-Shopping Mall); Quản lý hợp đồng qua mạng (e-Contract); Thanh toán điện tử (e-Payment); Danh mục sản phẩm (Item list); Văn bản điện tử (e-Document); Quản lý năng lực nhà thầu (Supplier’s Performance Management); Bảo lãnh điện tử (e-Guarantee). Hệ thống mới sẽ giúp quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công thông qua hoạt động đấu thầu qua mạng từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.
Theo đại diện IDNES, Hệ thống e-GP được xây dựng có nhiều đổi mới, cải tiến mang lại những lợi ích đáng kể trong hoạt động mua sắm công. Đơn cử như Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại chỉ có 2 vai trò tham gia hệ thống là bên mời thầu và nhà thầu, thì nay Hệ thống e-GP mới đã bổ sung thêm vai trò tham gia của chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo, đơn vị quản lý đấu thầu để thực hiện các nghiệp vụ liên quan trong quá trình mua sắm, đấu thầu qua mạng.
Hệ thống e-GP mới cũng được thiết kế để mỗi đơn vị, tổ chức tham gia Hệ thống là duy nhất và được định danh theo bộ thông tin (mã số thuế, mã quan hệ ngân sách, tên đơn vị). Thông tin về tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia cũng như thông tin hồ sơ năng lực của nhà thầu/nhà đầu tư được cập nhật kịp thời và xác minh trên cơ sở kết nối và liên thông với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống liên quan khác.
Đặc biệt, Hệ thống e-GP mới được xây dựng sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ trong đấu thầu qua mạng đối với gói thầu nhiều phần/lô lĩnh vực hàng hoá, sơ tuyển, đấu thầu hạn chế, chào lại giá cùng hàng loạt các tính năng/tiện ích đáng chú ý như: thực hiện thỏa thuận liên danh điện tử, phê duyệt HSMT qua mạng, hỗ trợ tổ chuyên gia/tổ thẩm định thực hiện nghiệp vụ trên Hệ thống, kiến nghị qua mạng.
Bên cạnh đó, Hệ thống e-GP còn có nhiều điểm đổi mới giúp tối ưu hóa hoạt động mua sắm công như giảm thiểu kê khai năng lực thiếu trung thực, quản lý danh mục sản phẩm, mua sắm trực tuyến, bảo lãnh dự thầu điện tử.
Hệ thống e-GP cũng kết nối hoặc sẵn sàng kết nối với hệ thống của các tổ chức bên ngoài như hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng, hệ thống của các ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty xếp hạng tín dụng, các tổ chức quản lý kinh nghiệm của các chuyên gia, hệ thống khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.