Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Rộng cửa trở thành nhà đầu tư
Đó là Liên danh gồm Công ty Quảng Lợi - Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng - Công ty CP Xuất nhập khẩu miền Bắc - Công ty CP Kết cấu K2T - Công ty CP 27-7 Thanh Xuân. Liên danh này là nhà đầu tư duy nhất lọt vào danh sách ngắn Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ Quốc lộ 10 đến sông Trà Lý và cầu vượt sông Trà Lý theo hợp đồng BOT (gọi tắt là Dự án BOT) và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ sông Trà Lý đến đường Thái Bình - Hà Nam theo hợp đồng BT (gọi tắt là Dự án BT).
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Dự án BOT có tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng hơn 1.480 tỷ đồng, Dự án BT khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 2 dự án này dự kiến là 5 năm, từ 2016 - 2020.
Ông Bùi Minh Hưng, cán bộ Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình - bên mời thầu 2 dự án trên cho biết, để hoàn vốn cho Dự án BOT, dự kiến sẽ đặt trạm thu phí đoạn gần cầu vượt sông Trà Lý, thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm. Đối với Dự án BT, nhà đầu tư sẽ được hoàn vốn bằng quyền khai thác 2 đến 3 khu đất trên địa bàn. Theo ông Hưng, 2 dự án này sẽ giảm tải cho Quốc lộ 10 và rút ngắn gần một nửa thời gian đi từ TP. Thái Bình đến Hà Nội.
Ông Bùi Minh Hưng cho biết, chỉ có liên danh nhà đầu tư nói trên do Công ty Quảng Lợi đứng đầu tham dự sơ tuyển.
Theo quy định, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển thì sẽ được chỉ định nhà đầu tư. Ngày 7/11, Dự án BOT đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với hình thức chỉ định thầu. Như vậy, liên danh này đang rộng cửa trở thành nhà đầu tư cả 2 dự án nêu trên.
Tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2
Tuy nhiên khi lựa chọn nhà đầu tư, dự án này được tách thành 2 dự án: 1 dự án BOT và 1 dự án BT như đã nêu trên. Một nguồn tin cho biết, một trong những lý do chia tách là vì nếu để 1 dự án lớn có thể khó lựa chọn nhà đầu tư. Thế nhưng, khi dự án 3.000 tỷ đồng được tách làm đôi, chỉ có 1 liên danh nhà đầu tư tham dự sơ tuyển và trúng sơ tuyển cả hai. Nếu liên danh này trở thành nhà đầu tư từng dự án, trong khi bên mời thầu khẳng định 2 dự án triển khai đồng thời, thì cũng có thể hiểu, liên danh nhà đầu tư này sẽ thực hiện cả 1 dự án trị giá 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Minh Hưng, việc sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện đúng quy định, hồ sơ mời sơ tuyển đưa ra những yêu cầu theo đúng quy định hiện hành và liên danh nhà đầu tư này đã đáp ứng yêu cầu của từng dự án.
Từ 1 dự án lớn, tách thành 2 dự án nhỏ hơn, nhưng 1 nhà đầu tư lại đang có khả năng trúng cả 2 dự án sau khi chia tách. Câu chuyện tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2 này đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi: năng lực của liên danh này có thể phù hợp với từng dự án 1.500 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện đồng thời cả 2 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng, thì năng lực này liệu có còn bảo đảm?!