Hành trình của gói thầu phải gia hạn 5 lần

(BĐT) - Gói thầu số 62 Cung cấp và lắp đặt hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đang trong thời gian gia hạn đóng thầu lần thứ 5. Tại sao quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này lại khiến các nhà thầu trong lĩnh vực trang thiết bị y tế bức xúc suốt thời gian qua như vậy?
Gói thầu số 62 thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có bảo đảm dự thầu lên đến 2 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Thanh
Gói thầu số 62 thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có bảo đảm dự thầu lên đến 2 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Thanh

HSMT chỉ gọi tên một hãng

Đơn kiến nghị của các nhà thầu gửi Báo Đấu thầu cho thấy, hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu có nội dung thiếu tính cạnh tranh và quá trình điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật (YCKT) mâu thuẫn, không nhất quán. Theo đó, các nhà thầu cho rằng, xem xét hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động của 4 hãng cung cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay là Abbott, Beckman Coulter, Siemens và Roche, thì YCKT của HSMT đã nhắm đến Siemens quá rõ ràng.

“HSMT đưa ra những tiêu chí dư thừa, không có giá trị, hơn nữa lại mang tính đặc trưng, ví dụ như yêu cầu “bộ xử lý mẫu”, “hệ thống kiểm tra ống mẫu”, trong khi đó trên hầu hết các hệ thống của các hãng, bộ phận đảm nhiệm chức năng này đã được tích hợp trong các thành phần khác của hệ tự động và vẫn đảm bảo chức năng tự động hóa của cả hệ thống”, một nhà thầu cho biết.

Theo các nhà thầu, mỗi hãng cung cấp hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch sẽ có đặc trưng khác biệt so với hãng khác. Tuy nhiên, HSMT lại chọn đặc tính đặc trưng của hãng Siemens, cụ thể là “cài đặt tần suất hiệu chuẩn” và “tự động QC” làm tiêu chí đạt/không đạt. Không những thế, các tính năng này còn được “xé nhỏ” làm các tiêu chí đánh giá nhằm giảm mức độ đáp ứng của các hãng khác.

Nghiêm trọng hơn, theo kiến nghị của nhà thầu, trong danh mục xét nghiệm yêu cầu trong HSMT đưa ra các yêu cầu xét nghiệm: BR 27.29, Complexed PSA, Serum HER-2/neu chính là 3 xét nghiệm độc quyền của hãng Siemens.

Theo phản ánh của các nhà thầu, đây là sự định hướng, cài cắm quá rõ ràng, ngăn cản các nhà thầu chào các thiết bị của hãng sản xuất nổi tiếng khác.

Theo Bên mời thầu (BMT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, Gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày. Đây là gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Giá trị bảo đảm dự thầu là 2 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kiên Giang đã phải thành lập tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu các gói thầu  thiết bị do Sở Y tế làm Chủ đầu tư. Được biết, Chủ đầu tư, BMT, đơn vị tư vấn đấu thầu, đơn vị sử dụng, tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế đã tiến hành rà soát, điều chỉnh HSMT để phù hợp theo các nội dung kiến nghị của nhà thầu. Hiện nay, tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu đang tổng hợp nội dung điều chỉnh HSMT, báo cáo UBND Tỉnh trước khi phát hành HSMT. 

Khóa, mở - khóa rồi có… mở?

Theo tìm hiểu, đến nay, đã có 4 nhà thầu liên tục kiến nghị về HSMT của Gói thầu. Quá trình gia hạn, trả lời kiến nghị, điều chỉnh HSMT cho thấy, đây là  một quá trình kéo dài về việc đưa ra các tiêu chí có tính “khóa”, “mở” rồi lại “khóa” và đang đứng trước áp lực rất lớn buộc phải “mở” để rộng cửa cho các nhà thầu cạnh tranh trong lần gia hạn thứ 5.

Cụ thể, ngay sau khi phát hành HSMT lần đầu, các nhà thầu đã có kiến nghị quyết liệt do nhiều bất cập, không đảm bảo công bằng, nhắm đến duy nhất một hãng sản xuất. Sau đó, ngày 30/11/2018, BMT đã có văn bản điều chỉnh HSMT, được các nhà thầu đánh giá là “hoàn toàn thuyết phục, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, mở rộng phạm vi lựa chọn nhà thầu cung cấp, giúp Chủ đầu tư chọn được máy có chất lượng và giá cả tốt nhất”.

Tuy nhiên, theo nội dung rà soát cấu hình - tính năng kỹ thuật do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức vào ngày 13/12/2018 thì HSMT lại được điều chỉnh lại theo yêu cầu của đơn vị sử dụng (Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang). Ngày 21/12/2018, Bên mời thầu công bố phụ lục HSMT mới bỏ đi hết những nội dung mang tính cạnh tranh và có tiêu chí mới “ngăn cản” những hãng thiết bị nổi tiếng. Cụ thể, YCKT đối với máy xét nghiệm miễn dịch tự động, tổng công suất ≥ 600 test/giờ (danh mục xét nghiệm tối thiểu có) yêu cầu nhà thầu đáp ứng 14 danh mục xét nghiệm và đáp ứng > tổng số xét nghiệm (không bao gồm bộ xét nghiệm xơ hóa tế bào gan) về mức độ đáp ứng chỉ thuộc hãng Siemens. Các nhà thầu cho rằng, HSMT lúc này lại có sự mâu thuẫn, đi lòng vòng “khóa - mở - khóa” đối với các hãng, cụ thể là theo hướng ban đầu “khóa”, khi có kiến nghị lại “mở”, sau đó lại “khóa” trong YCKT.

Ngay sau động thái này, một loạt nhà thầu đã mua HSMT lập tức có văn bản kiến nghị xem xét, làm rõ YCKT thuộc HSMT. Các nhà thầu đều có chung khẳng định “thông số hệ thống nêu trong HSMT là đặc thù của một nhà sản xuất, không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu”.

Từ những kiến nghị này, BMT hiện đã gia hạn thời gian phát hành HSMT đến ngày 18/3/2019.

Chuyên đề